Chủ nhật, 28/07/2024, 07:37[GMT+7]

Chốt kiểm dịch động vật liên ngành Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ 2, 10/03/2014 | 10:40:33
1,696 lượt xem
Ngay khi được thành lập, các chốt kiểm dịch động vật (KDĐV) đã nỗ lực kiểm tra, giám sát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Từ ngày 22/2 đến ngày 3/3, các chốt KDĐV liên ngành đã kiểm tra, giám sát trên 120 phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh, đồng thời tịch thu và tiêu hủy hàng nghìn con gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của các đơn vị chức năng.

Các thành viên của chốt kiểm dịch động vật tại cầu Tân Đệ (Vũ Thư) thực hiện chế độ trực 24/24 giờ trong ngày.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết: Chi cục Thú y được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì các lực lượng tham gia chốt kiểm dịch; ngày 22/2, Chi cục đã phân công nhiệm vụ cho 16 cán bộ đến 4 chốt KDĐV liên ngành để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động khác về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Ngoài lực lượng của Chi cục, ngành Công an, Quản lý thị trường đã phân công cán bộ đủ số lượng theo yêu cầu đến các chốt KDĐV liên ngành thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trước đó, Chi cục Thú y đã thành lập đội kiểm dịch lưu động (ĐKDLĐ) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật từ ngày 16/11/2013 đến ngày 25/1/2014. Ngay sau khi được thành lập, ĐKDLĐ đã họp thống nhất chương trình, nội dung và triển khai hoạt động trên địa bàn các huyện, thành phố. Đồng thời phối hợp với trạm thú y các huyện, thành phố, các ngành liên quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, phòng, chống dịch bệnh đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian hoạt động, ĐKDLĐ đã rà soát, kiểm tra và tổ chức ký cam kết chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ở 8 cơ sở ấp trứng giống gia cầm, 1 cơ sở giết mổ gia cầm, kiểm tra hàng trăm phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, các thành viên của ĐKDLĐ còn tích cực tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, các quy định kiểm dịch, nhất là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lợi ích của việc tiêm vắc xin, tiêu độc, khử trùng.

Ông Nhương cho biết thêm: Do diễn biến dịch cúm gia cầm trong và ngoài nước ngày càng diễn biến phức tạp, Chi cục Thú ý đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh thành lập chốt KDĐV liên ngành tại các đầu mối giao thông để phòng, chống dịch gia súc, gia cầm. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành và quy chế hoạt động của các chốt này.

Ngay sau khi được thành lập, 4 chốt KDĐV tại cầu Tân Đệ (Vũ Thư), cầu Triều Dương (Hưng Hà), cầu Nghìn và cầu Hiệp (Quỳnh Phụ) đã tích cực vào cuộc thực hiện kiểm tra, giám sát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; lập biên bản xử lý theo quy định của Pháp lệnh Thú y đối với các trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không chấp hành các quy định về kiểm dịch, mang mầm bệnh hoặc không bảo đảm vệ sinh thú y... Từ ngày 22/2 đến ngày 3/3, các chốt KDĐV liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 121 phương tiện vận chuyển 58.956 con gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh; trong đó lợn 7.164 con, gà 36.990 con, vịt 14.700 con, trâu bò 102 con và 58.000 quả trứng gia cầm.

Ông Trần Xuân Trung, Trưởng chốt KDĐV liên ngành tại cầu Tân Đệ cho biết: Chốt KDĐV cầu Tân Đệ có 9 cán bộ, trong đó lực lượng công an 3 đồng chí, quản lý thị trường 2 đồng chí, Chi cục Thú y 4 đồng chí; chế độ trực được thực hiện 24/24 giờ trong ngày, chia làm 3 ca, mỗi ca 3 người. Từ ngày 22/2 đến ngày 3/3, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 61 phương tiện vận chuyển 15.688 con gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh, trong đó lợn 5.395 con, gà 5.950 con, vịt 4.300 con, trâu bò 43 con; xử phạt 2  trường hợp với số tiền là 6,5 triệu đồng.

Điển hình như ngày 28/2, lực lượng liên ngành tại cầu Tân Đệ đã kiểm tra xe máy do ông Lại Đăng Hùng, thường trú tại Việt Hùng (Vũ Thư) điều khiển, trên xe chở 1.500 con gà 1 ngày tuổi từ Nam Định vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Qua kiểm tra, toàn bộ số gà trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật; ông Hùng khai số gà này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chốt KDĐV liên ngành đã tịch thu toàn bộ số gà trên và tiêu hủy, xử phạt ông Hùng 3,5 triệu đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước. Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn Huy ở Nam Sách (Hải Dương), tuy toàn bộ 1.500 con gà chở trên xe ô tô có giấy chứng nhận kiểm dịch và kẹp chì niêm phong chưa bị phá, nhưng số lượng trên giấy chứng nhận lại ít hơn so với số lượng gà thực có trên xe là 1.500 con, do đó lực lượng liên ngành đã lập biên bản và xử phạt 3 triệu đồng.

Ngoài hoạt động của 4 chốt KDĐV liên ngành của tỉnh, hiện nay một số huyện đã thành lập các đội kiểm tra liên ngành của huyện để tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn. Các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của huyện, xã về diễn biến dịch cúm gia cầm trong và ngoài nước. Đồng thời hướng dẫn “5 không” trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh, hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi)...

Với sự nỗ lực của các chốt KDĐV liên ngành của tỉnh, Đội kiểm dịch lưu động của Chi cục Thú y và các đội kiểm tra liên ngành của một số huyện đã góp phần không nhỏ bảo đảm cho đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh an toàn trước dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giết mổ, thu mua vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh và tỉnh ngoài ra, vào khá lớn, do đó các chốt kiểm dịch và các lực lượng chức năng còn quá mỏng để có thể kiểm tra, kiểm soát hết được. Trong khi đó, thời tiết không thuận lợi, địa bàn rộng, các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm không theo quy luật, thường là trong đêm hay rạng sáng nên càng thêm khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát. Hiện nay, việc phòng, chống dịch gia súc, gia cầm đang trong thời điểm “nóng”, do đó ngoài sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị chức năng, đây còn là trách nhiệm của toàn dân để góp phần  chăn nuôi phát triển ổn định và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa