Chủ nhật, 28/07/2024, 07:37[GMT+7]

Mặt trái từ phát triển nghề làm miến dong truyền thống ở Đông Thọ

Thứ 3, 11/03/2014 | 08:45:20
1,950 lượt xem
Dọc theo tuyến đê Trà Lý, cách trung tâm Thành phố Thái Bình vài kilômét là làng nghề sản xuất miến dong truyền thống xã Ðông Thọ. Mặc dù thời điểm bán chạy nhất vào dịp Tết Nguyên đán đã qua nhưng nhiều hộ vẫn đang dồn sức sản xuất.

Cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Dương Văn Long, thôn Ðoàn Kết, xã Ðông Thọ (Thành phố Thái Bình).

Từ phát triển nghề mà đời sống của người dân không ngừng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tuy nhiên, song hành với việc phát triển nghề thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nhức nhối đang diễn ra từng ngày, từng giờ ở nơi đây.

Miến dong là sản phẩm có từ lâu đời, được các thế hệ lưu truyền ở Ðông Thọ hàng trăm năm nay. Từ bột củ dong riềng nhập về từ các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân Ðông Thọ sản xuất ra sản phẩm miến chất lượng, có uy tín trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ðông Thọ đã được nhiều người biết tới bởi xã có nghề sản xuất miến dong truyền thống. Người dân nơi đây gần như không có ngày nghỉ, ai cũng tất bật với nghề.

Trước kia, người dân Ðông Thọ làm miến chủ yếu bằng phương pháp thủ công, có khoảng 40 hộ kèm theo 400 lao động làm nghề. 10 năm trở lại đây, các cơ sở trong xã đã đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất. Tới nay còn khoảng 30 hộ duy trì phát triển nghề, trong đó 18 cơ sở sản xuất lớn, tạo việc làm cho trên 400 lao động.

Mặt hàng này bán chạy nhất là từ tháng 8 tới Tết Nguyên đán, cung ứng chủ yếu cho thị trường các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam. Bình quân mỗi cơ sở sản xuất cung ứng cho thị trường hàng chục tấn sản phẩm/năm.

Tới thăm gia đình ông Dương Văn Long - một trong những cơ sở làm ăn có tiếng ở thôn Ðoàn Kết, chúng tôi được biết: hàng chục năm nay ông cũng như rất nhiều hộ trong làng tiếp nhận nghề từ ông cha để lại. Khác với trước đây,  gần 10 năm qua ông đã đầu tư trên 200 triệu đồng mua máy móc để thay thế một phần sức lao động thủ công.

Do đó đã đẩy công suất từ 1 tạ/ngày lên trên 1 tấn/ngày, gấp hơn 10 lần so với trước đó. Theo ông Long, làm miến dong là nghề vất vả, mọi người đều phải cặm cụi làm từ 4 giờ sáng tới 9 giờ tối mới được nghỉ. Chỉ tính trong 3 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng nhà ông Long xuất gần 10 tấn miến, gấp gần 3 lần so với tháng thường. Từ nghề làm miến, gia đình ông Long đã có nguồn thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Ðồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ sản xuất nghề miến, Ðông Thọ còn có hàng chục cơ sở làm hàng mã, tạo việc làm thường xuyên cho 500 - 600 lao động.

Ngoài ra, địa phương còn phát triển mạnh nghề cơ khí, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, buôn bán tạp hóa, tiểu thương ở các chợ trong và ngoài xã... Do đó thu nhập, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, tới nay thu nhập bình quân đầu người ở Ðông Thọ đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,68%, tỷ lệ nhà mái bằng, cao tầng đạt tới 90%, phương tiện đi lại và nghe nhìn hiện đại đạt 100%.

Theo ông Tường, Phó Chủ tịch UBND xã, nhiều năm qua nhờ có phát triển nghề làm miến đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất là trong quá trình sản xuất kinh doanh hiện nay, hàng ngày một khối lượng nước thải lớn  chưa qua xử lý ở các hộ sản xuất miến vẫn xả ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.

Bình quân một hộ có thể thải ít nhất 3m3 nước/ngày. Về phía địa phương đã tích cực tuyên truyền các hộ giảm thiểu tình trạng xả nước chưa qua xử lý ra khu vực xung quanh. Các hộ đã xây dựng hệ thống bể lắng để xử lý nước trước khi thải ra môi trường.

Tuy nhiên trong quá trình sản xuất,  bột non dùng để chế biến vẫn trôi theo nước chảy ra ngoài, lâu ngày sẽ phân hủy và bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ðặc biệt 2 thôn Ðoàn Kết và Thống Nhất có biểu hiện rõ nhất về tình trạng này. Còn đối với ông Long, chủ cơ sở sản xuất miến có quy mô lớn ở thôn Ðoàn Kết, thì nếu bột càng xấu thì lượng thuốc tẩy càng lớn, nước thải càng nhiều và độc hại.

Ðặc biệt, hiện nay số lượng đặt hàng ngày càng lớn trong khi bể lắng của các hộ chỉ có giới hạn nên lượng nước chưa qua xử lý xả ra môi trường xung quanh ngày càng nhiều. Riêng trong 3 tháng gần Tết Nguyên đán vừa qua, cơ sở sản xuất của ông Long nhập về 100 tấn bột, sản xuất ra hàng chục tấn miến nên lượng nước thải cũng tăng lên mức từ 5 - 7 m3/ngày.

Ðể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, thời gian qua UBND xã Ðông Thọ đã có kế hoạch di dời các hộ sản xuất miến rải rác trong làng ra vùng sản xuất tập trung xa khu dân cư. Tuy nhiên do có nhiều khó khăn về việc luân chuyển ruộng và kinh phí thực hiện nên kế hoạch đó vẫn trong tình trạng “vạch ra để đấy’’. Do vậy trong thời gian tới xã sẽ tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng sản xuất ngành nghề thủ công tập trung để vừa tạo được quỹ đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn vừa tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư như hiện nay.

Thu Thủy

  • Từ khóa