Chủ nhật, 28/07/2024, 07:30[GMT+7]

Hưng Hà Giành lại thế chủ động trong sản xuất vụ xuân

Thứ 5, 13/03/2014 | 09:20:20
884 lượt xem
Đến nay, Hưng Hà đã khắc phục xong toàn bộ diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại và hoàn thành gieo cấy 100% diện tích. Hiện lúa đang bén rễ hồi xanh, phát triển và sinh trưởng khá tốt.

Nông dân xã Văn Lang (Hưng Hà) thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho mạ để bảo đảm đủ mạ cấy hết diện tích theo đúng lịch thời vụ.

Vụ xuân năm 2014, Hưng Hà là một trong những huyện có diện tích mạ dài ngày khá cao trong tỉnh (70 ha), đồng thời 12 xã, thị trấn có diện tích trên 10 ha/xã, thị trấn lúa phải cấy dồn, dặm và cấy lại sau đợt rét đậm, rét hại. Trước thực trạng trên, để giành lại thế chủ động trong sản xuất vụ xuân, UBND huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn tập trung cao độ công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động nông dân khắc phục mọi khó khăn, bám đồng ruộng sản xuất. Đến nay, Hưng Hà đã khắc phục xong toàn bộ diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại và hoàn thành gieo cấy 100% diện tích; hiện lúa đang bén rễ hồi xanh, phát triển và sinh trưởng khá tốt.

Trong những ngày đầu tháng 3, chúng tôi về thăm lại những cánh đồng lúa bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt rét đậm, rét hại ở các xã Độc Lập, Chí Hòa, Minh Tân, Văn Lang... mà lòng thấy vui khi những màu xanh non đang vươn lên từ mặt ruộng. Cách đây chưa lâu, khi nông dân tập trung ra đồng cấy đại trà lúa vụ xuân đúng vào thời điểm rét đậm, rét hại, ghi nhận ban đầu có hơn 800 ha lúa bị ảnh hưởng phải cấy dồn, dặm và cấy lại hoàn toàn. Trên cánh đồng thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang sau những ngày rét đậm, rét hại, nhìn những người nông dân đang cặm cụi trên những thửa mạ bị chết gần hết để lựa chọn những dảnh còn khỏe nhổ lên đem đi cấy mới thấu hiểu từng hạt thóc sau thu hoạch quý giá nhường nào.

Anh Nguyễn Huy Chiêm, thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang cho biết: Nhìn chung toàn bộ các giống lúa BT7, BC15, T10 gieo quanh ngày 22/1 đều bị chết. Khi anh Chiêm xuống nhổ mạ lên cho chúng tôi xem, trên tay chỉ còn là nắm bùn đen xen lẫn với thân mạ đã chết không còn dấu hiệu phục hồi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến lúa, mạ ở một số xã, thị trấn bị chết nhiều, ngoài do rét đậm, rét hại gây ra, một phần còn do bà con nông dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật gieo, chăm sóc theo khuyến cáo của các đơn vị chuyên môn. Thực tế cho thấy, các giống lúa bị chết như BC15, BT7, T10 chủ yếu được gieo cấy từ ngày mùng 7 đến 9/2 và một số diện tích sử dụng mạ yếu để cấy sau đợt rét đầu tháng 2. Đồng thời mạ gieo quá dày, phun thuốc kích thích sinh trưởng, hoặc bón phân có lượng đạm cao và không che nilon cho mạ ở đợt rét đầu.

Trước thực trạng trên, trong hai ngày 19 và 20/2, UBND huyện Hưng Hà đã ban hành 2 công điện về tập trung chỉ đạo phòng, chống rét cho lúa, mạ và chăm sóc cây màu vụ xuân; tập trung chỉ đạo phòng, chống rét và khắc phục ảnh hưởng do rét cho lúa, mạ vụ xuân năm 2014. Theo đó, các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ diện tích lúa xuân đã gieo cấy nhằm xác định, khoanh vùng những diện tích lúa không có khả năng phục hồi để có biện pháp xử lý. Các HTX DVNN chuẩn bị giống lúa ngắn ngày như BT7, RVT, T10, VS1 để gieo bổ sung kịp thời cho những diện tích có nguy cơ bị chết rét và dự phòng khi thời tiết diễn biến bất lợi. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương và nông dân các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ, lúa. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Hưng Hà đã tập trung điều tiết nước hợp lý, bảo đảm đủ nước chống rét cho lúa và thích hợp từng vùng, từng trà. Những diện tích lúa bị ảnh hưởng ít, các địa phương đã vận động nhân dân thực hiện tỉa dặm khi thời tiết ấm; những diện tích bị ảnh hưởng nặng trên 50% tiến hành vơ sạch ruộng để cấy lại hoặc gieo thẳng...

Với các giải pháp được triển khai nhanh, kịp thời, đồng bộ nên nhiều diện tích lúa đã được phục hồi, đến ngày 3/3 diện tích lúa phải dồn, dặm và cấy lại của Hưng Hà chỉ còn 485 ha, giảm trên 300 ha so với đánh giá ban đầu. Đến nay, Hưng Hà đã hoàn thành gieo cấy xong lúa xuân (khoảng 10.800 ha), bà con nông dân đang tập trung chăm sóc để lúa phục hồi, sinh trưởng phát triển tốt, bảo đảm trỗ trong khung thời tiết an toàn. Cụ thể, những diện tích không phải gieo cấy lại, nếu rễ lúa vàng hoặc đen, ít ra rễ trắng cần phun các chế phẩm kích thích để rễ lúa phát triển nhanh, khỏe như K-H, siêu lân, ET, hoặc 7-10 kg lân supe/sào. Khi lúa ra rễ trắng, lá mới, nếu nhiệt độ trên 15oC cần khẩn trương bón thúc, sử dụng các loại phân NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm và kali cao (không bón đạm đơn)... Sau bón thúc lần 1, bà con nông dân cần tỉa dặm, bảo đảm mật độ hợp lý như BC15 mật độ 32 - 35 khóm/m2, 1 - 2 dảnh/khóm; giống TBR1 mật độ 40 - 42 khóm/m2, 2 - 3 dảnh/khóm; lúa gieo thẳng mật độ xung quanh 100 cây/m2.

Để bảo đảm vụ xuân giành thắng lợi toàn diện, ngoài việc tập trung chăm sóc, phòng, chống rét cho lúa xuân, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đặc biệt trong những ngày qua, trời có sương mù, ẩm độ không khí cao, ít nắng nên bệnh đạo ôn rất dễ phát sinh, nhất là trên các giống dễ nhiễm như BC15, Q5, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu.

 Nguyên Bình

  • Từ khóa