Chủ nhật, 28/07/2024, 05:39[GMT+7]

Ðiểm sáng trong phát triển nghề và làng nghề

Thứ 5, 20/03/2014 | 11:07:40
1,424 lượt xem
Không chỉ duy trì, phát huy tốt nghề mây tre đan truyền thống, những năm gần đây xã Thượng Hiền (Kiến Xương) còn du nhập thêm được một số nghề mới như làm tăm tre, tăm hương, may xuất khẩu… góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong xã.

Nghề mây tre đan truyền thống xã Thượng Hiền (Kiến Xương) giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Thành Tâm

Năm 2010 Thượng Hiền được công nhận làng nghề truyền thống và năm 2012 vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen đơn vị có thành tích tiêu biểu trong phát triển nghề và làng nghề. Không dừng lại ở thành tích đó, năm 2013 - 2014 nghề và làng nghề ở Thượng Hiền tiếp tục được Ðảng ủy, UBND xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo các điều kiện để nghề, làng nghề phát triển đạt nhiều kết quả.

Theo những người lớn tuổi ở Thượng Hiền, nghề mây tre đan truyền thống của xã có từ thế kỷ 18.  Từ đó đến nay, nghề mây tre đan được nhân dân gìn giữ và truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có nhiều gia đình có 5, 6 thế hệ liên tiếp làm nghề mây tre đan.

Trải nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử song nghề mây tre đan ở Thượng Hiền vẫn được duy trì, phát triển, là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của nhân dân địa phương. Nhiều gia đình đã thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn để mở rộng phát triển nghề thủ công truyền thống.

Nhằm tạo mọi điều kiện cho nghề và làng nghề phát triển, UBND xã đã quy hoạch mặt bằng, mở rộng cơ sở sản xuất tập trung ở ba khu với tổng diện tích 10 ha, thường xuyên cử cán bộ theo dõi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ðược Ðảng ủy, UBND xã tạo điều kiện, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn ở địa phương yên tâm tập trung đầu tư phát triển, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong xã và các xã lân cận. Ðiển hình Công ty cổ phần thương mại song mây Dũng Tấn. Từ một cơ sở vườn ban đầu, hiện Công ty đã mở rộng ra 35 vườn ươm với diện tích 4,1 ha, giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng trăm lao động có thu nhập khá. Doanh nghiệp Du Dương ở thôn Văn Lang, chuyên sản xuất hàng mây tre, bèo, giải quyết việc làm cho 300 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động vệ tinh, thu nhập đạt khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất tăm xuất khẩu của ông Riệp, thôn Văn Lang mỗi năm sản xuất hàng tấn tăm tre, doanh thu gần 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 40 lao động. Cơ sở sản xuất hàng mây của ông Bùi Công Quý, thôn Trung Quý chuyên sản xuất hàng mây cao cấp, hàng mây mẫu cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 180 lao động…

Ngoài các doanh nghiệp và cơ sở lớn, trên địa bàn của bốn thôn trong xã, nhân dân vẫn duy trì tốt nghề mây tre đan, trong đó có 302 gia đình thường xuyên có từ 3 đến 5 lao động làm mặt ghế mây, hàng giỏ hoa, gia công nguyên liệu sợi mây. 10 cơ sở chuyên thu mua nguyên liệu, sản phẩm cho các cơ sở lớn trên địa bàn xã. Toàn xã có gần 7000 khẩu thì số lao động làm nghề đạt 2.800 người, thu nhập bình quân từ 1,3 – 1,7 triệu đồng.

Theo đồng chí Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã: Thượng Hiền đang nỗ lực phấn đấu đến 2015 trên địa bàn xã có 5 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, có 1500 hộ làm nghề thủ công. Xã tiếp tục mở rộng vùng cung cấp mây nguyên liệu tại chỗ bằng cách chuyển diện tích hai lúa kém hiệu quả sang trồng mây; liên kết với các nông trường và các dự án trồng rừng cung cấp cây mây giống, thu mua cây mây thương phẩm làm nguyên liệu phục vụ cho làng nghề mây tre đan ở địa phương, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân du nhập thêm các nghề mới, làm cho nghề ở Thượng Hiền ngày càng phong phú, làng nghề ngày càng phát triển.

Ðể làng nghề phát triển bền vững, phát huy hiệu quả lâu dài, xã Thượng Hiền rất mong được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các ngành chức năng về xử lý môi trường làng nghề; hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm và giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân trong xã được vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất.

Hà Dung

  • Từ khóa