Thứ 6, 26/07/2024, 16:25[GMT+7]

Hưng Hà Giữ vững thế mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Thứ 3, 25/03/2014 | 08:50:58
1,216 lượt xem
Chịu tác động từ những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng năm 2013, sản xuất CN - TTCN của huyện Hưng Hà vẫn duy trì tương đối ổn định. Nhiều mặt hàng có dấu hiệu phục hồi, phát triển trở lại, giá trị sản xuất tăng. Giá trị sản xuất CN - TTCN đạt 1.995,7 tỷ đồng, tăng 10,13% so với năm 2012.

Công đoạn in hoa văn trên sản phẩm chiếu cói ở Hưng Hà.

 

Trao đổi với cán bộ Phòng Công Thương huyện Hưng Hà chúng tôi được biết: Ðến nay, toàn huyện có 5 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 91,38ha thu hút 45 dự án đầu tư, trong đó 39 dự án đã đi vào sản xuất. CCN Phương La (xã Thái Phương) với diện tích 10,23 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; CCN Ðồng Tu - Phúc Khánh diện tích 36,17ha, tỷ lệ lấp đầy 47,25%; CCN Hưng Nhân có diện tích 25,54ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 40%, CCN Minh Tân có diện tích 9,75ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67%... Trong năm 2013, Hưng Hà có 10 dự án đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lao động gồm 5 dự án sản xuất chiếu nilon ở xã Tân Lễ và Thị trấn Hưng Nhân, 5 dự án ở xã Ðông Hải, sản xuất hương, nước tinh khiết và may quần áo xuất khẩu.

 

Toàn huyện hiện có 183 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 43 doanh nghiệp hoạt động tốt, 40 doanh nghiệp hoạt động khá, 80 doanh nghiệp hoạt động trung bình và 20 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may chiếm cao nhất với 62 doanh nghiệp, 22 doanh nghiệp xây lắp, 10 doanh nghiệp gỗ, 9 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và 80 doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan tới quý II/2014. Do đó số lượng hàng tồn kho được giải quyết, góp phần đưa giá trị sản xuất dệt may của huyện đạt 900 tỷ đồng, chiếm 45% giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cũng đi vào hoạt động ổn định.

 

Mặc dù những tháng đầu năm 2013 thị trường tiêu thụ chậm, sức mua kém nhưng những tháng cuối năm các doanh nghiệp đã thu hút được khá đông khách hàng, sức mua tăng, thị trường tiêu thụ tương đối tốt nên mặt hàng này đã xuất được số lượng lớn, giá trị sản xuất ước đạt 131,7 tỷ đồng.

 

Trong phát triển nghề và làng nghề, hiện nay Hưng Hà là huyện không có xã trắng nghề, số lượng làng nghề nhiều nhất tỉnh với 48 làng nghề, 4 xã nghề, thu hút 22.136 lao động địa phương, chiếm 74% tổng số lao động tại các làng nghề, đem lại giá trị sản xuất 1.444 tỷ đồng/năm. Nghề dệt chiếu có ở 21 làng nghề trong huyện đã thu hút giải quyết việc làm cho 3.380 lao động, trong đó lao động trong làng nghề là 3.126 lao động, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Giá trị sản xuất từ nghề chiếu đạt 453 tỷ đồng, chiếm 23% giá trị sản xuất công nghiệp chung toàn huyện. Nghề dệt khăn duy trì ổn định ở 17 làng nghề từ nhiều năm nay và ngày càng có sức tiêu thụ lớn với tổng số 5.262 máy dệt, tăng 90 máy so với năm 2012. 3 làng nghề sản xuất bún bánh, lương thực ở Thị trấn Hưng Nhân, Tân Hòa, Ðiệp Nông hoạt động tốt với việc áp dụng máy móc vào sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm. Riêng sản phẩm bánh đa làng Me đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm với sản lượng 4.500 tấn và trên 16.000 tấn bún bánh khác giá trị sản xuất đạt 128 tỷ đồng/năm. Nghề mộc phát triển với tốc độ khá ở 3 làng nghề của xã Canh Tân, Hòa Tiến và Chí Hòa.

 

Các doanh nghiệp, hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Riêng nghề mộc ở Chí Hòa có sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang Ðài Loan, Hàn Quốc đã thu hút 70 lao động với giá trị sản xuất năm 2013 ước đạt trên 25 tỷ đồng. Ngoài ra còn 3 làng nghề mây tre đan, 1 làng làm mành chủ yếu ở xã Tây Ðô, Văn Cẩm có nhiều sản phẩm phong phú, đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn.

 

Bên cạnh những ngành nghề truyền thống, một số ngành nghề mới du nhập vào Hưng Hà đã phát triển ổn định và thu hút nhiều lao động tại chỗ với mức thu nhập cao. Ðiển hình như nghề dệt chiếu nilon ở Tân Lễ và Thị trấn Hưng Nhân đến nay đã xuất hiện 7 cơ sở đầu tư 203 máy dệt, sản lượng đạt trên 6 triệu lá chiếu/năm, đem lại doanh thu khoảng 160 tỷ đồng/năm. Nghề dệt lưới nilon cũng phát triển khá mạnh ở 8 xã với tổng số máy dệt lên tới 80 chiếc, năng suất gấp 30 lần dệt thủ công.

 

Dự kiến trong năm 2014, các cơ sở dệt lưới nilon sẽ đầu tư từ 8 - 10 máy dệt công nghiệp. Nghề sản xuất men thức ăn gia súc, men rượu cao cấp thu hút nhiều lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Toàn huyện hiện có 7 cơ sở sản xuất men thức ăn gia súc, men rượu cao cấp, giá trị sản xuất đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, một số nghề mới khác hiện đang có chiều hướng phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động có thu nhập ổn định như nghề may quần áo, túi xách xuất khẩu ở các xã Tiến Ðức, Hòa Tiến, Bắc Sơn, Hùng Dũng.

 

Từ những kết quả trên, năm qua Hưng Hà đã có 24 làng nghề sản xuất tốt, 11 làng nghề sản xuất khá, 11 làng nghề sản xuất trung bình và 2 làng nghề yếu. Năm 2014, huyện Hưng Hà tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư vào các CCN. Xây dựng chính sách khuyến công khuyến khích sự phát triển CN - TTCN. Phấn đấu xây dựng thêm 2 làng nghề mới được UBND tỉnh công nhận.

Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa