Chủ nhật, 28/07/2024, 05:43[GMT+7]

Thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thứ 6, 04/04/2014 | 08:42:07
2,066 lượt xem
Những năm gần đây, hàng trăm nông dân xã Hồng An (Hưng Hà) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều nông dân trong xã đã tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Ðiềm là một điển hình, được nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Ðiềm, xã Hồng An (Hưng Hà) đang giới thiệu về mô hình nuôi ba ba gai của gia đình.

 

Trong ngôi nhà được xây dựng khá khang trang, ông Khanh kể cho chúng tôi nghe quá trình làm ăn của mình với rất nhiều khó khăn, vất vả. Sinh năm 1959, khi vừa tròn 20 tuổi, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa khác, ông hăng hái lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Quân khu I, biên giới phía Bắc. Ðến năm 1983, ông phục viên trở về quê xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Trước kia, gia đình ông là một trong những hộ nghèo của xã, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn.

 

Năm 1991, khi UBND xã Hồng An có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển đổi hơn 3 sào ruộng cấy lúa sang trồng 30 gốc nhãn Hương Chi. Thời gian đầu tuy cây phát triển bình thường và ra quả nhưng sâu bệnh nhiều nên hiệu quả kinh tế không cao. Khó khăn là thế nhưng ông vẫn không nản chí, quyết tâm lên Trường Ðại học Nông nghiệp Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây này. Sau những thất bại ban đầu, ông đã học hỏi và đúc rút được thêm nhiều kinh nghiệm, ông tiếp tục đầu tư mua và đấu thầu thêm 1,4 mẫu đất để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Với gần 2 mẫu đất ấy, ông dành phần lớn diện tích đất để trồng 120 gốc nhãn.

 

Do nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc hợp lý nên vườn cây của gia đình ông hàng năm luôn sai quả, cho thu nhập cao. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư đào gần 5 sào ao để nuôi cá truyền thống; hơn 20 cặp ba ba gai bố mẹ và gần 300 con ba ba gai thương phẩm. Ngoài ra, ông còn dành một phần diện tích xây dựng chuồng trại nuôi gần 1.000 con gà ta thương phẩm. Năm 2010, ông tiếp tục đầu tư thuê thêm trên 1 mẫu đất để trồng thử nghiệm 50 gốc táo Ðài Loan và trồng rau màu quanh năm. Trong thời gian tới, ông dự định đưa nhiều giống cây mới vào trồng thử nghiệm nhằm phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện nay, từ mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông cho thu lãi hàng năm gần 200 triệu đồng.

 

Khi được hỏi về kinh nghiệm, ông chia sẻ: Ðể có được thành công như ngày hôm nay, ông không ngừng trau dồi thêm kiến thức, tìm tòi học hỏi những phương thức, mô hình sản xuất mới cũng như áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Khanh còn thường xuyên vận động, giúp đỡ và hướng dẫn bà con trong xã cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Với sự giúp đỡ của ông, nhiều nông dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá. Trong nhiều năm, ông Khanh được công nhận là hội viên nông dân sản xuất giỏi và nhận nhiều giấy khen, bằng khen từ tỉnh đến cơ sở.

 

Ông Trần Ngọc Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng An cho biết: Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Khanh đang trở thành điểm đến để học tập kinh nghiệm của đông đảo nhân dân trong xã và các xã lân cận. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, ông Khanh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chiết cây, chăm sóc đàn vật nuôi, cung cấp cây, con giống cho nhiều bà con nông dân trong và ngoài xã.

Phạm Hưng

 

  • Từ khóa