Thứ 3, 30/07/2024, 03:25[GMT+7]

Đối phó với bệnh lùn sọc đen trên lúa vụ mùa 2010 cần tránh tư tưởng chủ quan, coi thường

Thứ 2, 09/08/2010 | 15:16:27
2,140 lượt xem
Theo số liệu điều tra của Chi cục BVTV tỉnh, toàn tỉnh đã có 56 xã của 6 huyện (trừ Hưng Hà và Thành phố) có tổng diện tích lúa 2.711 ha bị nhiễm bệnh lùn sọc đen (LSĐ).

Nông dân xã An Vũ - Quỳnh Phụ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ mùa. Ảnh; Thành Tâm

Bệnh chủ yếu phân bổ trên trà lúa mùa sớm với tỷ lệ cây bệnh từ rải rác đến 1% bị bệnh, nơi cao 4 - 5% số cây bị bệnh. Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng, nếu không kịp thời xử lý, virus bệnh LSĐ sẽ làm biến dạng đòng lúa, cây lúa không có khả năng trỗ bông; đồng thời tạo nguồn bệnh lây truyền sang trà lúa mùa đại trà và lúa mùa muộn, gây nguy cơ mất mùa nghiêm trọng. Tình hình cấp bách là thế, song trên thực tế, không ít địa phương, từ cấp ủy, chính quyền đến bà con nông dân còn mang nặng tư tưởng chủ quan, coi thường đối tượng gây hại nguy hiểm số một này.


Xuất hiện lần đầu tiên ở miền Bắc, gây hại đúng vào giai đoạn lúa phân hóa đòng - cuối tháng 8 cho đến hết vụ, bệnh LSĐ đã làm cho 33.182 ha lúa vụ mùa năm 2009 của 12 tỉnh thành bị mất trắng, không cho thu hoạch. Đến vụ xuân năm 2010, do hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để lây lan và phát tán, chỉ trong vòng tháng 3, bệnh LSĐ đã phát sinh tại 28 tỉnh trên địa bàn cả nước với tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh gần 29.000 ha. Không nằm ngoài thực trạng này, Thái Bình có 5.289 ha lúa vụ mùa 2009 và 17.759 ha lúa vụ xuân 2010 bị nhiễm bệnh LSĐ. Tuy nhiên, chính sự so sánh, nhìn nhận, đánh giá thiếu cơ sở khoa học từ tình hình diễn biến của bệnh qua hai vụ lúa này mà phát sinh tư tưởng chủ quan, coi thường ngay cả khi bệnh đang tiếp tục gây hại ở vụ mùa 2010 này. Nhiều ý kiến cho rằng vụ mùa 2009, bệnh LSĐ gây hại nặng làm cho hơn 3.613 ha lúa mùa của 2.615 hộ dân bị mất trắng, nhưng chỉ diễn ra tại 40 xã của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Còn vụ xuân 2010, bệnh phát sinh ở 243 xã của cả 8 huyện, thành phố, nhưng năng suất lúa vẫn đạt trên 70 tạ/ha, cao hơn năng suất vụ xuân 2009 - vụ lúa không bị nhiễm bệnh LSĐ. Và không ít câu hỏi nghi ngờ đặt ra: Liệu ngành nông nghiệp có làm quá khi dấy lên những lo ngại về bệnh và nguy cơ mất mùa? Liệu có thật là bệnh LSĐ hay ngộ độc do thuốc trừ cỏ? Liệu các biện pháp phòng chống thực sự có hiệu quả hay không khi mà virus bệnh LSĐ chưa có thuốc trừ đặc hiệu?

Trao đổi về những vấn đề này qua rất nhiều cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Rong - Phó Ban chỉ đạo phòng chống bệnh LSĐ - Giám đốc Sở NN & PTNT khẳng định: Thực tiễn từ vụ mùa 2009 đã chứng minh sự hiện diện và nguy cơ gây hại khôn lường cho sản xuất nông nghiệp của bệnh LSĐ. Điều quan trọng hơn là các thí nghiệm khoa học của Viện BVTV, các kết quả xét nghiệm di truyền học phân tử như chạy PCR và giải mã trình tự gen... của các trung tâm vùng, trường ĐH Nông nghiệp... cũng đã chứng minh có virus bệnh LSĐ; và đây chính là cơ sở để Bộ NN & PTNT ra quyết định công bố dịch LSĐ hại lúa vào ngày 16/3/2010. Đối với Thái Bình, triệu chứng lâm sàng có những khóm lúa bị xoăn tương tự như tác động của thuốc trừ cỏ. Song hiện tượng này bị loại trừ vì kết quả điều tra trên nhiều hộ không dùng thuốc trừ cỏ như ở Đông Hải, Đông Long, Tây Tiến (Tiền Hải) và một số xã khác thuộc Vũ Thư, Thành phố... vẫn có cây xoăn lá và lùn lụi. Ngay trên giống lúa dài ngày VN 10, Xi 23 ở Đông Hưng, Quỳnh Phụ cũng xảy ra hiện tượng lùn, xoăn lá khi lúa đã che gần kín đất. Như nhiều địa phương ở miền Bắc, vụ mùa 2009, do bệnh LSĐ phát sinh muộn, gây hại chủ yếu trên trà lúa mùa muộn trỗ sau 15/9 đúng vào giai đoạn lúa phân hóa đòng - trổ bông (giai đoạn lúa không còn khả năng đền bù); thông tin, hiểu biết về bệnh còn hạn chế... nên các biện pháp phòng chống của Thai Bình không có hiệu quả cao, dẫn đến mất trắng về năng suất. Sang đến vụ xuân 2010, bệnh phát sinh sớm trên cả mạ và lúa bắt đầu đẻ nhánh - giai đoạn cây lúa có khả năng hồi phục, bù đắp bằng các dảnh lúa khỏe. Vì vậy, các biện pháp tác động về kỹ thuật như: tiêu diệt nguồn bệnh - làm sạch môi trường tại chỗ; xử lý hạt giống bằng các loại thuốc Enaldo, Cruise Plus, Gaucho, Kola...; phun thuốc trừ rầy nội hấp ngay trên mạ trước cấy; điều tra phát hiện nhanh, kịp thời xử lý nhổ bỏ, tỉa dặm cây bị bệnh, chăm sóc, bón phân và tiếp tục phun thuốc trừ rầy... đã đạt hiệu quả rất cao trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Kết quả theo dõi trên ruộng lúa BC 15 tại Tây Giang - Tiền Hải, khi áp dụng đồng bộ các biện pháp xử lý trên, thì năng suất của ruộng lúa có tới 20% số khóm bị bệnh chỉ bị suy giảm khoảng 15% so với ruộng không bị bệnh.

 
Như vậy là những câu hỏi nghi ngờ về bệnh LSĐ đã được giải đáp bằng cả cơ sở thực tiễn và khoa học. Theo nhận định của các chuyên gia, nguy cơ và khả năng gây hại ở vụ mùa là rất khó lường, vì đã hội tụ đủ các điều kiện cho bệnh này bùng phát. Với nguồn bệnh tiềm ẩn, phân bổ rộng ở hầu khắp các địa phương trong cả nước; thời tiết nóng ấm tương thích cao hơn cho sự tăng trưởng của virus; môi giới truyền bệnh gối lứa có khả năng di chuyển và phát tán xa... bệnh LSĐ sẽ diễn biến rất phức tạp, khả năng lây lan sẽ rất lớn. Với Thái Bình, bệnh sẽ không chỉ phát hiện chủ yếu trên các chân ruộng cao, vàn cao lúa đã tốt và đang đẻ nhánh rộ; mà sẽ bùng phát mạnh và đồng loạt trên các chân đất, các giống lúa, nhất là lúa chất lượng cao như BT7, HT1, T10, Nếp... vào tháng 8 và đầu tháng 9. Theo bà Tạ Thị Minh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cái khó là triệu chứng lâm sàng của bệnh có nhiều điểm khác biệt so với vụ xuân 2010: cây thấp lùn rõ rệt nhưng lá chưa thấy có biểu hiện xoắn và rách mép; do bị nhiễm virus sớm nên bộ rễ phát triển kém, rễ không có lực, chóp rễ không mập, trắng; tỷ lệ cây bị lùn có chiều cao chỉ bằng 1/2 cây bình thường khá rõ nhưng mới chỉ chiếm khoảng vài %.... nên không dễ phát hiện. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của lúa ở vụ mùa chỉ 105 - 110 ngày, nhiều giống dưới 100 ngày; từ khi cấy đến lúc phân hóa đòng chỉ trong khoảng 55 ngày nên nếu không phòng trừ quyết liệt bệnh LSĐ trong 10 - 15 ngày tới thì khó có khả năng hạn chế được thiệt hại.


Không còn là lúc giành cho những nghi ngờ dẫn đến sự nhìn nhận sai lầm, dẫn đến tư tưởng chủ quan, coi thường mức độ nguy hại của bệnh LSĐ. Bài học thực tế từ vụ mùa 2009 và vụ xuân 2010 vừa qua không chỉ ở Thái Bình đủ để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, cùng bà con nông dân đối mặt với dịch bệnh. Cuộc chiến này có thực sự giành thắng lợi một cách trọn vẹn, vụ mùa 2010 mới gặt hái được nhiều ý nghĩa trong điều kiện sản xuất đầy bất thuận.

Hồng Thái

  • Từ khóa