Thứ 6, 24/01/2025, 08:25[GMT+7]

Thái Thụy Khởi sắc sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn

Thứ 2, 07/04/2014 | 08:37:34
1,848 lượt xem
Từ địa bàn có mức tổn thất điện năng cao trên 30%, đến nay sau hơn 5 năm tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT) chỉ số tổn thất điện năng bình quân ở Thái Thụy đã giảm xuống dưới 10%.

Công nhân Điện lực Thái Thụy kiểm tra, sửa chữa lưới điện hạ áp nông thôn.

 

Ðiện lực Thái Thụy hiện đang bán điện trực tiếp tới hộ gia đình tại 30 xã và thị trấn, với hơn 49.000 khách hàng; các xã còn lại thực hiện bán điện đến công tơ tổng. Nhớ lại những ngày mới tiếp nhận LÐHANT, Giám đốc Ðiện lực Thái Thụy Bùi Xuân Tuấn chia sẻ: Việc tiếp nhận đồng loạt cùng thời điểm tại địa bàn nhiều xã, với lưới điện xuống cấp, hầu hết là dây trần, tiết diện không đủ tiêu chuẩn, bán kính cấp điện quá dài. Dây dẫn thì cũ, nhiều mối nối, còn dây tại các nhánh rẽ thì đa phần sử dụng dây lưỡng kim, dây thép. Hệ thống cột, công tơ cũng chắp vá, không được kiểm tra định kỳ, dẫn đến đo đếm không chính xác. Tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức cao, chất lượng điện không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất. Vì vậy, vấn đề “hậu” tiếp nhận gặp nhiều khó khăn, với cả “núi” công việc cần đến nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo, nâng cấp LÐHANT.

 

Việc đầu tiên sau tiếp nhận, Ðiện lực Thái Thụy đã tập trung công sức, tiền của để thay thế toàn bộ công tơ cũ, đầu tư cải tạo các đường dây cũ nát, thay thế cột điện, cấy trạm biến áp chống quá tải để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, hiệu quả. Ðồng thời sắp xếp tổ chức lại đội ngũ cán bộ, lao động để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch trong điều kiện khối lượng quản lý tăng cao, đặc biệt là việc áp dụng mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng để tham gia ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện. Bên cạnh đó, việc phải tiếp tục hoàn tất thủ tục pháp lý, lập hồ sơ lý lịch lưới điện, ký kết hợp đồng mua bán điện chiếm khá nhiều thời gian và công sức.

 

Nhân viên Ðiện lực Thái Thụy thu tiền điện của người dân.

 

Ðể nâng cao chất lượng điện áp, góp phần giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, Ðiện lực Thái Thụy cũng  tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện 0,4 kv của các xã, khắc phục các điểm quá cũ nát, như: thay công tơ chết kẹt, xử lý các mối tiếp xúc, thay các dây nèo không bảo đảm tiêu chuẩn, thay xà sứ nứt vỡ, dây dẫn và bổ sung tiếp địa lặp lại, giải phóng hành làng và sửa chữa cải tạo một phần đường dây quá cũ nát, mất an toàn của tất cả các xã mới tiếp nhận, với nguồn kinh phí cải tạo giai đoạn 1 trên 60 tỷ đồng. Hiện, 15 xã và thị trấn cơ bản hoàn thiện hệ thống lưới điện nông thôn với mức đầu tư mỗi xã từ 5 - 7 tỷ đồng từ các dự án REII.3, REII.5 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; các xã còn lại, bằng nguồn vốn sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên cũng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhờ đó, chất lượng điện áp ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân nông thôn. Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ hơn 30% trước tiếp nhận xuống còn 9,46% (quý I/2014). Diện mạo LÐHANT của các địa phương trong huyện ở những khu vực được cải tạo đã thực sự đổi thay rất nhiều.

 

Ðến nay, các xã do ngành điện quản lý đều đạt tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới. Cũng theo Giám đốc Ðiện lực Thái Thụy thì một trong những thay đổi dễ nhận thấy sau khi LÐHANT được bàn giao cho ngành điện quản lý bán lẻ đến hộ dân là số lần cũng như thời gian mất điện được giảm thiểu, người dân được mua điện đúng với giá điện do Chính phủ quy định, đặc biệt, các hộ nghèo còn được hưởng chính sách hỗ trợ về giá điện.

 

Bà Ðoàn Thị Là, thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn phấn khởi nói: “Trước đây trong thôn có điện, nhưng điện sáng chập chờn, nhất là vào giờ cao điểm thì quạt không quay, cơm không chín. Nhưng vài năm nay, chất lượng điện áp luôn ổn định, tình trạng cắt điện vô tội vạ không còn. Khi mất điện, chỉ cần nhấc điện thoại yêu cầu thì lập tức có người đến xử lý ngay”.

 

Chủ trương bàn giao LÐHANT về cho ngành điện quản lý đã phát huy hiệu quả thiết thực về cung ứng điện đối với người dân nông thôn. Chất  lượng điện được cải thiện, việc cung ứng điện bảo đảm an toàn, người dân không phải nộp thêm bất cứ một khoản kinh phí nào trong quá trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lưới điện và được dùng điện đúng mức giá Chính phủ quy định.

 

Tuy nhiên, để gắn việc đầu tư, nâng cấp lưới điện nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới thì ngoài nỗ lực của ngành điện trong việc tìm kiếm, tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương trong tuyên truyền cũng như hành động của người dân trong thực hành tiết kiệm điện, hành lang an toàn điện, chung sức chia sẻ những khó khăn với ngành điện thực hiện tốt phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

                                    Minh Nguyệt

  • Từ khóa