Thứ 5, 16/05/2024, 16:16[GMT+7]

Gỡ khó cho các doanh nghiệp xay xát, chế biến, kinh doanh lúa gạo

Thứ 3, 08/04/2014 | 14:47:34
6,160 lượt xem
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, có bề dày kinh nghiệm về thâm canh lúa nước, năng suất cao, sản lượng lúa hàng hóa khá lớn. So với các tỉnh miền Bắc, năng lực xay xát và kho chứa lúa gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh thuộc loại lớn, thiết bị xay xát đồng bộ, khá hiện đại, công suất lớn, chế biến bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thu mua và xuất khẩu gạo.

Dây chuyền xay xát gạo của Công ty TNHH Hưng Cúc. Ảnh: Ngọc Linh

Ðó cũng là vấn đề đang được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết để các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh đồng thời xây dựng được thương hiệu lúa gạo của tỉnh.

Hiện nay tỉnh ta có khoảng 1.000 hộ tư nhân và 26 doanh nghiệp tham gia chế biến lương thực, thu hút khoảng 13.150 lao động, trong đó có 920 hộ tư nhân và 17 doanh nghiệp tham gia thu mua, xay xát, kinh doanh lương thực với tổng công suất xay xát đạt trên 100 tấn/giờ, kho chứa lúa gạo khoảng 65.000 tấn. Trong số đó có 7 doanh nghiệp chế biến lúa gạo quy mô lớn, đạt 90 tấn/giờ, năng lực kho chứa lúa gạo 55.000 tấn. Năm 2013, sản lượng thu mua của 7 doanh nghiệp này đã thực hiện được 259.000 tấn lúa, tổng doanh thu 3.319 tỷ đồng, nộp ngân sách 13,1 tỷ đồng, sản lượng xuất khẩu ước đạt 15.000 tấn.

Tuy nhiên, theo đa số doanh nghiệp, đã có không ít khó khăn tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là nguyên liệu đầu vào. Khi thời điểm giá thóc thấp thì hợp đồng với người dân thực hiện suôn sẻ nhưng nếu giá thóc cao thì nông dân thực hiện không nghiêm túc và không bán như đã thỏa thuận. Ngoài ra còn nhiều ảnh hưởng khác như tình trạng ruộng đất sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chính sách thay đổi liên tục, vốn đầu tư máy móc còn hạn chế...

Ông Nguyễn Như Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh - XNK Lam Sơn cho biết: Ðến nay đã 23 năm tham gia vào thị trường lúa gạo tuy nhiên do khó thu mua được ở thị trường trong tỉnh, Công ty vẫn phải mua lương thực ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Nam Ðịnh. Trước đây Công ty đầu tư rất nhiều cho nông dân thông qua các tổ chức hội như bán chậm trả phân bón thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ mỗi năm mấy chục nghìn tấn phân bón, mỗi vụ thu về bình quân 20 tỷ đồng. Tuy nhiên mấy năm gần đây do một vài xã không trả tiền nên Công ty đã phải bỏ cơ chế bán chậm trả. Trong việc liên kết thu mua thóc, Công ty đã cung ứng phân bón trước cho nông dân nhưng chỉ thu mua được khi giá thị trường thấp. Do đó rất khó chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, dẫn tới Công ty phải chuyển sang hình thức kinh doanh khác đó là thu mua nông sản và chế biến thức ăn chăn nuôi. Từ một Công ty đứng đầu về kinh doanh lương thực, phân bón ở tỉnh đến nay đã xuống hạng và không còn coi đó là ngành nghề chính.

Bốc xếp gạo tại Công ty chế biến Doanh Ðạt, xã Ðồng Tiến (Quỳnh Phụ). Ảnh: Thành Tâm

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Là công ty chuyên về xay xát nên rất quan tâm tới các vùng nguyên liệu trong tỉnh nhưng vẫn phải tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu và thu mua sản phẩm ở các tỉnh ngoài để hoàn thành kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Thời gian qua Công ty đã cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua ký kết với các hộ nông dân thông qua HTX DVNN. Hiện nay Công ty đang tập trung vào 2 dự án lớn đó là sản xuất giống lúa Nhật ở Thái Thụy và giống DT68 ở Tây Phong (Tiền Hải) và đang nhân rộng giống lúa DT68 ra 10 HTX. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn xoay quanh vấn đề thu mua. Ðiển hình như năm 2013 dự định của Công ty thu mua 200 tấn nhưng tới khi phát giá lại chỉ thu mua được 25 tấn.

Ðể tháo gỡ khó khăn trên, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã họp và đưa ra các giải pháp đồng bộ để các cấp, các ngành vào cuộc, thúc đẩy mối liên kết giữa "4 nhà" ngày càng chặt chẽ. Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng để phục vụ tốt nhất cho sản xuất của nông dân. Giao cho Sở Công Thương phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương xây dựng quy hoạch các cụm sấy để tạo điều kiện cho các tổ hợp tác và HTX chủ động sản xuất. Ðồng thời nghiên cứu hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường, xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, tham quan học tập hiệu quả. Giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư rà soát bổ sung sửa đổi các cơ chế hỗ trợ kịp thời, mang tính khả thi, tránh những chính sách "trên mây". Sở Khoa học - Công nghệ nghiên cứu ứng dụng giống, công nghệ sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Ðặc biệt, ngành Ngân hàng nghiên cứu xem xét giải quyết vốn cho các doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, để việc thu mua thóc gạo đạt hiệu quả cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu quy trình liên kết giữa "4 nhà" phải thực hiện chặt chẽ hơn, nhất là sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Các doanh nghiệp phải giữ vai trò nhạc trưởng, tránh thế bị động, lúng túng đồng thời phải thực hiện liên kết dọc, liên kết ngang, xây dựng được vùng nguyên liệu của mình. Các cấp, các ngành làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để nhân dân thay đổi tập quán, hình thành các nhóm, tổ chức liên kết trong sản xuất.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Lê thế hưng - 4 năm trước

Em chuyên mua chấu các bác có để cho e 0979450887

Tải thêm