Thứ 3, 30/07/2024, 01:20[GMT+7]

THANH NIÊN TÂN LẬP Xung kích phát triển kinh tế

Thứ 6, 08/10/2010 | 15:06:58
2,632 lượt xem
Có thể khẳng định, với thanh niên nông thôn, con đường lập nghiệp và làm giàu ngay trên quê hương không phải là việc khó, nếu thật sự có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và được sự hỗ trợ tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng...

Đoàn viên thanh niên Trần Tiến Tùng(bên trái) đang tạo dáng cây cảnh

Cũng như nhiều cơ sở đoàn khác trong tỉnh, Đoàn thanh niên xã Tân Lập  (Vũ Thư) đã và đang phải đối mặt với khó khăn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, bởi tỷ lệ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của địa phương đi làm ăn xa rất đông.

 

Số ĐVTN có mặt tại địa phương chỉ chiếm trên 40% tổng số thanh niên trong xã và chủ yếu ở khối trường học hoặc công nhân tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh. Vì vậy, họ ít hoặc không “mặn mà” để tham gia vào các tổ chức đoàn thể của địa phương.

 

Trước những khó khăn đó, Ban chấp hành Đoàn xã trăn trở là làm như thế nào để tập hợp, thu hút số ĐVTN đang có mặt tại địa phương đến với tổ chức Đoàn và coi Đoàn là người bạn đồng hành trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình? Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thanh niên và điều kiện của địa phương là một xã có nghề cây cảnh, được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, Ban chấp hành Đoàn xã đã xây dựng và triển khai đồng bộ chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tới từng đoàn viên với nội dung chính là khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế; trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng cây cảnh, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIII về “đẩy mạnh sản xuất vụ đông, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính”. Nhờ đó mà số lượng ĐVTN đến với tổ chức đoàn ngày càng tăng.

 

Hơn nữa, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ thanh niên có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, Đoàn đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho ĐVTN vay gần 1,35 tỷ đồng. Có vốn, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình như: xây dựng mô hình VAC, trồng cây cảnh, nuôi trồng thủy sản...

 

Anh  Trần Văn Tâm- Bí thư đoàn xã chia sẻ: Tân Lập là một xã cách xa trung tâm kinh tế của tỉnh, huyện với trên 400 ĐVTN có mặt tại địa phương nhưng đã có đến 50 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên, trong đó hàng chục mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

Hiện có trên chục triệu phú là ĐVTN, họ đã gây dựng nên những cơ sở sản xuất kinh doanh cây cảnh hay những mô hình trang trại VAC... hàng năm cho thu nhập từ một đến vài trăm triệu đồng. Để chứng minh cho lời nói của mình, anh Tâm đã dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế của ĐVTN. Điểm dừng chân đầu tiên là vườn cây cảnh của anh Trần Tiến Tùng thôn Trà Khê. Mặc dù mới ngoài 20 tuổi nhưng Tùng đã hiểu và nắm rất rõ kỹ thuật trồng cũng như cách uốn, tạo dáng các loại cây.

 

Trong vườn hiện có hàng chục loại cây nhưng chủ yếu là cây xanh và lộc vừng. Với diện tích hơn 1.500 m2, lúc đầu do không có vốn Tùng chủ yếu ươm cây cỡ nhỏ, sau đó tạo thế cây và bán ra thị trường. Nhưng từ cuối năm 2009, sau khi tích lũy được nguồn vốn trên 200 triệu đồng, Tùng đã tự sắm cho mình những chiếc chậu cảnh đẹp nhất.

 

Cứ nghe thấy ở đâu có cây mới Tùng lại dò hỏi và mua bằng được dù ở trong hay ngoài tỉnh. Đến nay, tuy mới vào nghề được 3 năm nhưng số vốn mua cây cảnh của Tùng lên đến hàng trăm triệu đồng. Trung bình mỗi năm, thu lãi từ 100- 150 triệu đồng. Đứng giữa bạt ngàn cây xanh non, chúng tôi thấy khâm phục và tự hào về những con người trẻ tuổi như Tùng.

 

Dù cả tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng em đã biết ước mơ và biến ước mơ đó thành hiện thực ngay trên vùng đất thuần nông này. Không những làm kinh tế giỏi, Tùng còn rất tích cực tham gia công tác Đoàn, hiện là Bí thư chi đoàn thôn Trà Khê. Chúng tôi tiếp tục dọc con đường liên xã đến thăm mô hình VAC của chị Trần Thị Thu Hoài- 30 tuổi, ĐVTN thôn Bổng Điền Namon>.

 

Chỉ cách đây mấy năm, đời sống gia đình chị Hoài gặp rất nhiều khó khăn. Vậy mà giờ đây, cơ ngơi của gia đình chị là ngôi nhà 2 tầng với các trang thiết bị nội thất hiện đại. Chị tâm sự: Lấy chồng năm 20 tuổi, cả 2 vợ chồng đều làm ruộng, đang trong lúc khó khăn thì Đoàn xã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay 7 triệu đồng tiền vốn để chăn nuôi. Lúc đầu tôi chỉ nuôi 5- 10 con lợn nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay trong chuồng luôn có từ 50- 70 con lợn thịt.

 

Cùng với đó, tôi đã học nghề làm giò thịt. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình ngày càng no đủ, không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc hàng ngày nữa. Hiện tại, nguồn vốn mà Đoàn xã đứng ra thế chấp cho gia đình chị là 30 triệu đồng từ nguồn vốn 120- hỗ trợ thanh niên giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn.

 

Có thể khẳng định, với thanh niên nông thôn, con đường lập nghiệp và làm giàu ngay trên quê hương không phải là việc khó, nếu thật sự có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và được sự hỗ trợ tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Chia tay những thanh niên của xã Tân Lập, lòng tôi dâng lên cảm xúc khó tả. Mỗi người một hoàn cảnh, môi trường sống và làm việc khác nhau nhưng họ đều có chung một nhiệt huyết của tuổi trẻ: năng động, nhiệt tình và đầy quyết tâm khẳng định mình.

                        Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa