Thứ 2, 01/07/2024, 05:24[GMT+7]

Thái Thụy Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp

Thứ 2, 14/04/2014 | 10:11:31
970 lượt xem
Ðứng trước sự ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, huyện Thái Thụy đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất CN - TTCN. Dự báo năm 2014 tình hình kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, do đó để hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 2.170 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013, huyện Thái Thụy đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm 2014.

Sản phẩm cơ khí nông nghiệp của Doanh nghiệp Điện cơ Thiên Thuận xã Thụy Thanh (Thái Thụy) tham gia Hội chợ quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ năm 2013 tại Thái Bình. Ảnh: Ngọc Linh

 

Ông Lê Thanh Công, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Thái Thụy cho biết: Năm 2013, sản xuất CN - TTCN của huyện chưa có nhiều khởi sắc, sản xuất chậm phục hồi. Một số ngành nghề sản xuất giảm mạnh như móc sợi, vật liệu xây dựng, đóng tàu, vận tải biển. Bước vào năm 2014, tình hình sản xuất công nghiệp cũng chưa có nhiều chuyển biến, giá trị sản xuất ở mức tăng trưởng trung bình.

 

Hết quý I, giá trị sản xuất CN - TTCN của huyện ước đạt 540 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch năm. Toàn huyện hiện có 407 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 178 doanh nghiệp vận tải biển (chiếm 43,7%), 108 doanh nghiệp thương mại dịch vụ (chiếm 26,5%), 58 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,2%), 27 doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp (chiếm 6,6%), 14 doanh nghiệp may mặc (chiếm 3,4%), 9 doanh nghiệp thủy hải sản (chiếm 2,2%). Mặc dù là huyện có ngành vận tải biển phát triển mạnh, với trên 200 tàu trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn, có tới trên 60 tàu đi nước ngoài nhưng đây là ngành có tỷ lệ nợ thuế nhiều nhất tỉnh tới gần 200 tỷ đồng.

 

Ngành công nghiệp chế biến cũng là thế mạnh chủ lực của huyện nhưng cũng vừa mới có tín hiệu phục hồi trở lại. Ðiển hình là Nhà máy Bột cá Thụy Hải có công suất 170 tấn cá nguyên liệu/ngày, mỗi năm chế biến từ 6.000 - 7.000 tấn bột cá, nhưng do quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường nên thời gian qua Nhà máy đã phải chuyển địa điểm sản xuất tới Cụm công nghiệp (CCN) Thụy Tân nên mới hoạt động trở lại vào cuối năm 2013. Hiện nay Thái Thụy có 3 CCN là Mỹ Xuyên, Thụy Tân và Thái Thọ nhưng tỷ lệ lấp đầy đạt thấp. Trong phát triển nghề và làng nghề, toàn huyện có 28 làng nghề, 3 xã nghề, tuy nhiên 4 làng nghề đã suy giảm, dừng hoạt động, 12 làng nghề hoạt động cầm chừng, 12 làng nghề hoạt động tốt.

 

Ðể bảo đảm đạt mục tiêu giá trị sản xuất CN - TTCN theo kế hoạch đề ra, thời gian tới Thái Thụy sẽ tập trung phát triển theo hướng vừa phát triển tập trung tại các CCN vừa quy hoạch khu trung tâm thương mại dịch vụ ở các địa phương gắn với phát triển nghề và làng nghề. Tiếp tục tạo điều kiện cho một số dự án trọng điểm của tỉnh đang đầu tư trên địa bàn huyện như Nhà máy sản xuất Amon Nitrat. Ðối với Nhà máy Bột cá Thụy Hải sẽ tạo điều kiện bảo đảm được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và tiếp thu các dự án hậu cần nghề cá. Tạo điều kiện cho Công ty TNHH Ðỉnh Vàng hoàn tất thủ tục pháp lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy dày da và dệt may với quy mô 8ha ở CCN Mỹ Xuyên. Ngoài ra, huyện sẽ quy hoạch thêm CCN Trà Linh.

Tàu thuyền của các ngư dân cập bến tại cảng Diêm Ðiền (Thái Thụy).

 

Trong năm 2014, Thái Thụy sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đường 39, cầu Diêm Ðiền, đường đến các CCN để tạo điều kiện vận chuyển vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất của nhà đầu tư, tăng khả năng thu hút đầu tư vào CCN. Huy động, đề nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đi đôi với xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của CCN qua các hình thức đầu tư BT hoặc trực tiếp. Nâng cao công tác quản lý, chấn chỉnh quy hoạch các điểm dịch vụ thương mại làng nghề. Tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Thái Thụy tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, giải quyết các thủ tục đầu tư thuận lợi, nhanh gọn để nhà nước và nhà đầu tư đều đạt mục tiêu.

 

Ðối với công tác phát triển nghề và làng nghề, Thái Thụy chủ động nắm bắt sự biến động cơ cấu, số lượng đơn vị sản xuất, số lao động, cơ cấu nghề, chất lượng hoạt động của từng ngành, nghề đồng thời phát hiện nhân tố sản xuất mới có định hướng chỉ đạo và tạo điều kiện cho phát triển nghề. Tập trung nghiên cứu tháo gỡ, phục hồi làng nghề suy giảm đồng thời tìm hướng thay thế những làng nghề không còn thích ứng với cơ chế thị trường như cói, ươm tơ, đan vó, làm men... Kết nối với các đơn vị sản xuất liên kết du nhập nghề mới đồng thời định hướng cho các đơn vị sắp xếp lại sản xuất theo hướng chuyên sâu, tổ chức bài bản, tạo cơ sở ban đầu để các đơn vị yên tâm phát triển sản xuất. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các lao động nâng cao tay nghề, huyện sẽ thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ các nhóm nghề như móc sợi, cơ khí, mây tre đan, đan hàng nhựa, sản xuất mộc. Dự kiến sẽ hỗ trợ đào tạo từ 6 lớp trở lên/năm cho 600-1.000 lao động nông thôn.

 

Từ nay tới cuối năm, nhiệm vụ được xác định hết sức nặng nề, Phòng Công Thương huyện Thái Thụy bố trí cán bộ thường xuyên xuống cơ sở để tiếp cận, nắm bắt thông tin, chủ động giới thiệu địa điểm, hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất. Với những giải pháp trên, hy vọng từ nay tới cuối năm sản xuất CN - TTCN của Thái Thụy sẽ có dấu hiệu phục hồi, phát triển trở lại.

        Thu Thủy

 

  • Từ khóa