Chủ nhật, 28/07/2024, 05:20[GMT+7]

Nỗ lực thu hút dự án đầu tư

Thứ 3, 15/04/2014 | 09:58:11
1,460 lượt xem
Những năm qua, tỉnh ta đã xây dựng khá đầy đủ các chính sách thu hút đầu tư trên các lĩnh vực nhằm thu hút các dự án đầu tư theo định hướng, mục tiêu của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội địa phương.

Trên công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Từ năm 2001 đến nay rất nhiều chính sách thu hút đầu tư của tỉnh được xây dựng và ban hành. Giai đoạn 2001- 2005, các chính sách đã thể hiện mục tiêu “trải thảm đỏ’’, nhằm thu hút nhiều dự án, tạo việc làm cho người lao động. Vì thế trong giai đoạn này đã thu hút 181 dự án với số vốn đăng ký 4.273 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dự án may mặc và các dự án sử dụng nguồn khí đốt tại huyện Tiền Hải.

Tiếp đó các chính sách khuyến khích đầu tư được bổ sung điều chỉnh theo quy định của Nhà nước xác định lĩnh vực ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, quy định rõ các thủ tục đầu tư đồng thời xây dựng các quy hoạch theo từng lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, quy hoạch mạng lưới các khu - cụm công nghiệp để định hướng đầu tư.

Do đó giai đoạn 2006 - 2010 đã có nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, luyện và cán thép, chế biến nông sản thực phẩm; xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, siêu thị... Hình thành và phát triển một số ngành nghề sản xuất, dịch vụ mới như tư vấn đầu tư, các dịch vụ về lao động.

Kết quả đã thu hút được 310 dự án, vốn đăng ký 54.620 tỷ đồng, trong đó một số dự án vốn đầu tư khá lớn và công nghệ kỹ thuật tiên tiến như Công ty TNHH Thép đặc biệt ShengLy 390 tỷ đồng, Trung tâm Ðiện lực Thái Bình 2,5 tỷ USD, Nhà máy gạch Mikado 205 tỷ đồng... Ba năm gần đây, do khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã làm cho các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh, do đó thu hút đầu tư vào tỉnh giảm.

Tuy nhiên vẫn xuất hiện một số dự án đầu tư lớn đã và đang xây dựng có ý nghĩa quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như Nhà máy bia Hà Nội - Thái Bình vốn đầu tư 408,985 tỷ đồng, Nhà máy kéo sợi pha bông chải kỹ 9.360 tấn/năm, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat 5.762 tỷ đồng, Khách sạn Dầu khí Thái Bình 485 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất dây dẫn điện trong ô tô Yazaki 429 tỷ đồng... Từ năm 2013 đến nay có thêm 74 dự án được UBND tỉnh chấp thuận với số vốn đăng ký trên 3.300 tỷ đồng.

Thi công xây dựng Nhà máy sản xuất Amon Nitrat xã Thái Thọ (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm
 

Hai năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Bình  được đánh giá ở mức khá. Năm 2013, tỉnh ta đã có bước tăng hạng so với các năm trước, tăng 4 bậc so với năm 2012 và tăng 34 bậc so với năm 2011, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số 59,10 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì có 6 chỉ số có điểm tốt hơn so với năm 2012 là tiếp cận đất đai đạt 6,74 điểm, tính năng động đạt 5,78 điểm, tính minh bạch 5,53 điểm, chi phí thời gian 7,18 điểm, thiết chế pháp lý 6,90 điểm và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,13 điểm. Có 3 chỉ số giảm điểm là chi phí không chính thức đạt 6,83 điểm, gia nhập thị trường đạt 8,12 điểm, đào tạo lao động đạt 5,57 điểm. Còn lại chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 4,16 điểm.

Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thời gian qua được coi là yếu tố quan trọng để thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư vốn nước ngoài. Năm 2009, tỉnh ta đã ban hành quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư và tại Ban Quản lý các KCN của tỉnh. Từ đó các nhà đầu tư chỉ cần đến Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư để giải quyết các thủ tục về đầu tư.

Sau 4 năm thực hiện, cơ chế một cửa liên thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút hàng trăm dự án đăng ký. Các sở, ngành đã đơn giản hóa được trên 100 thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm bình quân 30 - 40% về thời gian giải quyết các thủ tục. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng được triển khai thực hiện như tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cải cách thủ tục hành chính, ý thức phục vụ, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các bộ phận thực thi công vụ.

Thời gian qua, tỉnh cũng tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã đem lại kết quả bước đầu, tạo mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài. Sau những hội nghị này, một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đã về làm việc hoặc tiếp cận nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư. Ðiển hình trong năm 2013, Công ty Kitamura Co, Ltd đã ký hợp tác đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản với Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long; Công ty Johoku thực hiện sản xuất dây điện cho ô tô xe máy và đồ dùng điện tử tại KCN Sông Trà và Công ty HSC Japan joint Stock Company đến làm việc và giới thiệu về Dự án ODA xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ Palasma.

Ðặc biệt, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ðiển hình trong dịp gần đây, UBND tỉnh, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản và 3 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào tỉnh nhà.

 Thực hiện tốt công tác cải thiện môi trường kinh doanh nên từ năm 2001 đến nay toàn tỉnh có trên 700 dự án đầu tư, trong đó lĩnh vực công nghiệp có số dự án đầu tư cao nhất, tiếp đến là lĩnh vực thương mại dịch vụ, sau cùng là lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả đó góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh ngày càng cao: giai đoạn 1996 - 2000 đạt 4,5%/năm, 2001 - 2005 đạt 7,2%/năm, 2006 - 2010 đạt 12,05%/năm và giai đoạn 2011 - 2013 đạt 9,23%/năm.

Trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ kết hợp việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư với các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là hai khâu quan trọng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Phấn đấu thu hút số dự án và vốn đầu tư tăng 10% trở lên so với năm 2013, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN và chỉ số năng lực cạnh tranh xếp hạng từ 20 - 25/63 tỉnh, thành phố.    

Thu Thủy

  • Từ khóa