Thứ 5, 16/05/2024, 05:04[GMT+7]

Tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa xuân

Thứ 4, 16/04/2014 | 08:22:55
1,153 lượt xem
Vụ xuân 2014, toàn tỉnh gieo cấy được 81.635 ha, tăng 0,21%; trong đó lúa gieo thẳng đạt 28.769 ha, tăng 30,88% so với vụ xuân năm 2013. Ðể bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển nhanh, an toàn và đạt năng suất cao, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ lúa xuân.

Nông dân xã Thụy Văn (Thái Thụy) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

Vụ xuân 2014, toàn tỉnh gieo cấy được 81.635 ha, tăng 0,21%; trong đó lúa gieo thẳng đạt 28.769 ha, tăng 30,88% so với vụ xuân năm 2013. Hiện nay, thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển; lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, số dảnh cơ bản đạt khá, nhiều diện tích lúa đã đẻ kín đất, một số diện tích cấy trong tháng 1 đã phân hóa đòng. Song, bên cạnh đó vẫn còn gần 6.000 ha lúa bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại chưa được chăm sóc tốt và hơn 1.300 ha cấy trong tháng 3 mới bắt đầu đẻ nhánh. Ðồng thời, toàn tỉnh có hơn 17.000 ha lúa bị nhiễm đạo ôn, trong đó nhiễm nặng gần 2.000 ha, diện tích bị lùn lụi 6,7 ha. Ðể bảo đảm cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển nhanh, an toàn và đạt năng suất cao, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ lúa xuân.

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ðến nay toàn bộ diện tích lúa xuân sinh trưởng, phát triển khá, trong đó các giống chịu rét tốt như lúa lai, lúa Nhật, TBR1 và các trà lúa cấy trước ngày 6/2, xung quanh 25/2 khá tốt. Cụ thể, hơn 6.800 ha lúa gieo thẳng và cấy trước ngày 6/2 đều đẻ kín đất, đang phân hóa đòng, số dảnh hữu hiệu từ 8 - 12 dảnh/khóm; riêng giống lúa Nhật ở Song An (Vũ Thư) trỗ vào trung tuần tháng 4. Ðối với 63.000 ha gieo cấy từ ngày 8/2 đến 20/2, trong đó có 42.000 ha cấy giống chịu rét tốt hiện sinh trưởng, phát triển khá, lúa đã đẻ kín đất, lúa lai đẻ nhánh đạt 8 - 11 dảnh/khóm (lúa cấy), 6 - 7 dảnh/khóm (gieo thẳng); 21.000 ha giống lúa chịu rét kém, trong đó 15.000 ha diện tích không cấy lại, tỉa dặm, chăm sóc và sục bùn tốt đẻ nhánh đạt 8 - 11 dảnh/khóm (BC15), 5 - 6 dảnh/khóm (BT7, T10)...

Tuy nhiên, toàn tỉnh còn khoảng 1.300 ha cấy sau ngày 5/3, trong đó Tiền Hải hơn 800 ha, các huyện còn lại từ 50 đến hơn 100 ha lúa mới đẻ từ 1 - 2 dảnh/khóm; diện tích này đã được bón thúc, dự kiến đẻ rộ từ trung tuần tháng 4 trở đi. Cùng với những diện tích chưa được chăm sóc tốt và đẻ nhánh ít, hiện nay trên đồng ruộng đang có bệnh đạo ôn gây hại, với diện tích lúa bị nhiễm trên 17.000 ha, phân bổ hầu hết trên các giống nhiễm như BC15, Q5, lúa Nhật, Nếp... tỷ lệ trung bình từ 5 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cá biệt có nới 70 - 80%, vết bệnh chủ yếu là vết mới.

 

Nông dân xã Thụy Văn (Thái Thụy) chăm sóc  lúa xuân.

Một số địa phương có diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn nặng như Văn Lang, Văn Cẩm, Ðộc Lập, Thống Nhất (Hưng Hà); Quỳnh Bảo, An Vũ, An Dục (Quỳnh Phụ); Phú Lương, Ðông Vinh, Ðông Kinh, Ðông Phong (Ðông Hưng); Ðông Hoàng, Ðông Xuyên, Vũ Lăng (Tiền Hải)... Trước thực trạng sinh trưởng và sâu bệnh trên lúa xuân hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CÐ-UBND về việc tập trung chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2014; ngành Nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để các hộ nông dân thực hiện.

Theo đó, những diện tích lúa cấy trong tháng 3 và những diện tích lúa đẻ nhánh ít, lá vàng, rễ mới ít, nhất là những diện tích lúa gieo thẳng, cấy các giống chịu rét yếu như BT7, T10 cần bón hết lượng phân NPK chuyên thúc, kết hợp cào sục nhẹ cho đất thông thoáng, giữ nước nông mặt ruộng để thúc lúa đẻ nhánh nhanh, sớm. Những diện tích chua phèn, đất xấu thường bị nghẹt rễ, hoặc vàng lá cần bón thêm phân hữu cơ hoai mục, trường hợp ruộng nhiều rong khét bón thêm vôi bột kết hợp với phun đồng sulphat. Hướng dẫn nông dân tăng cường bón phân kali từ 3 - 4kg/sào cho tất cả các trà khi lúa bắt đầu bước vào giai đoạn phân hóa đòng.

Ðồng thời điều chỉnh mực nước trong ruộng hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng, trong thời kỳ lúa đẻ nhánh giữ nước nông mặt ruộng từ 3 - 5 cm, khi lúa đẻ kín đất (đã bón phân kali 2 - 3 ngày) tiến hành rút nước phơi ruộng từ 5 - 7 ngày để giúp rễ lúa ăn sâu, hạn chế nhánh vô hiệu, tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và đổ lúa. Trong giai đoạn lúa làm đòng, trỗ đến chín luôn giữ mực nước từ 5 - 7 cm để giữ lấm mặt ruộng.

Ðối với phòng, trừ sâu bệnh, những diện tích nhiễm đạo ôn tỷ lệ từ 3% trở lên tranh thủ lúc trời khô tạnh bà con nông dân ra đồng phun bằng các loại thuốc đặc hiệu như Filia 525SE, kantana 20SC... Những ruộng lúa bị đạo ôn nặng cần vơ sạch lá bị bệnh trước khi phun thuốc, sau 5 ngày nếu lúa chưa hết bệnh cần tiếp tục phun cho đến khi khỏi hẳn mới thôi. Nông dân cần chú ý, những ruộng lúa có bệnh đạo ôn tuyệt đối không bón phân đạm đơn và phun các loại phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng.

Theo diễn biến thời tiết hiện nay, số giờ nắng thấp, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh và lây lan. Vì vậy, các đơn vị chức năng thuộc ngành Nông nghiệp và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau để hướng dẫn biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa xuân cụ thể tới từng cánh đồng, góp phần để vụ xuân giành thắng lợi toàn diện.

            Nguyên Bình

  • Từ khóa