Chủ nhật, 01/09/2024, 19:44[GMT+7]

Phát triển nghề ở Phú Châu

Thứ 2, 28/04/2014 | 08:45:54
1,201 lượt xem
Xã Phú Châu (Ðông Hưng) là địa phương phát triển toàn diện cả 3 trụ cột kinh tế. Ðặc biệt những năm gần đây nhiều ngành nghề phát triển mạnh góp phần đưa đời sống người dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Cơ sở mây tre đan Trần Ðức Thiện, xã Phú Châu tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương.

 

Ông Ngô Xuân Muôn, Chủ tịch UBND xã Phú Châu cho biết: Hiện nay tỷ lệ lao động làm nông nghiệp ở địa phương hầu hết là người già, các lao động trẻ, có sức khỏe chuyển sang làm các ngành nghề có thu nhập cao. Người dân Phú Châu vốn năng động sáng tạo, nhạy bén với cơ chế thị trường. Hiện nay toàn xã có gần 4.000 lao động, trong đó 3.700 lao động có việc làm thường xuyên (đạt 96%), lao động tham gia làm nghề chiếm gần 80%.

 

Nghề phát triển nhất ở Phú Châu là thu gom phế liệu, thu hút khoảng 500 lao động, trong đó xuất hiện 5 cơ sở thu gom lớn, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm, đem lại thu nhập bình quân cho người lao động từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ðịa phương còn có khoảng 200 lao động trẻ tham gia làm trong các công ty may, sản xuất bật lửa... tại các khu, cụm công nghiệp lân cận, đem lại thu nhập đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Ngoài ra, một số nghề khác cũng được du nhập và phát triển mạnh thu hút hàng trăm lao động như nghề mây tre đan, mộc, cơ khí, xây dựng, xay xát đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðặc biệt, là xã có trên 2km tuyến quốc lộ 39 đi qua do đó đã thu hút trên 100 hộ tham gia buôn bán kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, ăn uống, vận tải, vật liệu xây dựng. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư buôn bán, mở rộng sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao như cơ sở xay xát của ông Ðoàn Văn Ðang, cơ sở mộc Vũ Văn Chương, cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng Phạm Văn Hiền.

 

Từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã coi việc phát triển  nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động là một trong những nhiệm vụ then chốt để đạt các tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, cơ cấu lao động. Do đó đến nay địa phương đã đạt 16/19 tiêu chí, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%.

 

Ðể có kết quả trên, thời gian qua Phú Châu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất thông qua các tổ chức hội đứng ra tín chấp vay vốn của ngân hàng và Quỹ Tín dụng nhân dân. Ðến nay tổng số dư nợ do các hội quản lý khoảng 50 tỷ đồng, phục vụ cho hàng trăm lượt hội viên vay vốn. Ngoài ra, hàng năm địa phương còn mở 3 - 4 lớp đào tạo nghề về mây tre đan, thêu xuất khẩu, tập huấn vận hành máy cơ khí nông nghiệp, thu hút trên 100 lao động tham gia.

 

Tới thăm cơ sở mây tre đan Trần Ðức Thiện chúng tôi được biết, mặc dù là cán bộ của xã nhưng với ước muốn làm giàu cho gia đình và tạo việc làm cho người dân trong lúc nông nhàn, năm 2003 anh Thiện đã quyết định vay vốn Quỹ Tín dụng nhân dân xã Phú Châu và người thân mở cơ sở mây tre đan. Bình quân hàng tháng cơ sở xuất khoảng 1.000 bộ hàng, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 10 triệu đồng/tháng mà còn tạo việc làm cho trên 100 lao động trong xã với mức thu nhập từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Nhờ có cơ sở của anh Thiện, nhiều lao động ở độ tuổi cao vẫn kiếm thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Bà Bùi Thị Nhật, thôn Cốc cho biết: “Năm nay tôi 53 tuổi, ngoài duy trì cấy 2,5 sào lúa, hơn 10 năm qua tôi vẫn tham gia làm nghề mây tre đan”. Bình quân mỗi ngày bà Nhật làm được trên 100 sản phẩm. Công việc của bà là gò, dính keo, sửa chữa lỗi hàng, mỗi tháng cơ sở trả công bà 2,5 triệu đồng.

 

Cơ sở thu gom phế liệu Bùi Thị Hiên, thôn Cốc cũng là một trong những cơ sở làm ăn lớn của xã, chị Hiên cho biết: Nghề thu gom phế liệu đã xuất hiện hàng chục năm nay và phát triển mạnh ở Phú Châu. Nắm bắt được thị trường của nghề ''vốn ăn mày, lãi quan viên'' ngày càng phát triển sôi động nên hơn chục năm nay chị đã mở cơ sở thu gom. Ðến nay cơ sở của chị đã thu hút hàng trăm người đến bán các loại mặt hàng phế liệu như sắt, nhôm, đồng, giấy, nilon, bao bì...

 

Trung bình hàng tháng cơ sở của chị xuất gần 10 tấn sắt vụn và vài tấn các loại phế liệu khác. Nhờ có nghề này mà hàng trăm người trong xã đã có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Cơ sở của chị không chỉ đạt doanh thu lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm tại chỗ gần 10 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Kết quả trên đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất năm 2013 của Phú Châu đạt 193 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, XDCB đạt 84,4 tỷ đồng, giá trị thương mại dịch vụ đạt 53,9 tỷ đồng; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm trên 40%, trên 70% hộ có nhà mái bằng, cao tầng, 100% hộ có phương tiện đi lại, nghe nhìn hiện đại.

 

Trong thời gian tới, Phú Châu tiếp tục đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, phấn đấu tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 216,4 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt 99 tỷ đồng, thương mại dịch vụ đạt 59 tỷ đồng.

Thu Thủy

 

  • Từ khóa