Chủ nhật, 22/12/2024, 10:16[GMT+7]

Các doanh nghiệp huyện Thái Thụy Chủ động bảo đảm an ninh trật tự, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Thứ 3, 03/06/2014 | 09:29:24
1,173 lượt xem
Ðối với các doanh nghiệp vận tải biển, ngoài việc tuyên truyền vận động, động viên ngư dân tiếp tục bám biển, huyện Thái Thụy còn yêu cầu các chủ doanh nghiệp cập nhật thông tin cho ngư dân về diễn biến trên các vùng biển và các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển.

Chế biến hải sản xuất khẩu ở Công ty TNHH Thực phẩm RICHBEAUTY Việt Nam tại Thái Thụy. Ảnh: Ngọc Linh

 

Trên địa bàn huyện Thái Thụy hiện có 47 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Công ty TNHH Thực phẩm Rich Beauty Việt Nam. Hiện tại Công ty có khoảng 400 lao động chính thức và hơn 200 lao động theo mùa vụ, trong đó có 4 lao động người Trung Quốc và 5 lao động người Ðài Loan.

 

Trước việc tụ tập đông người ở một số địa phương biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lãnh đạo và số lao động người nước ngoài tại đây vẫn tin tưởng, tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường. Người Trung Quốc và các công nhân Việt Namon> thể hiện thái độ ôn hòa, hợp tác, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, duy trì lịch làm việc, bảo đảm kế hoạch sản xuất kinh doanh.

 

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Huang Wen Hsiung, thời gian qua công nhân trong Công ty vẫn duy trì làm việc đều đặn, tỉnh Thái Bình và chính quyền địa phương đã có nhiều phương án bảo vệ, tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài yên tâm làm việc. Do đó Công ty không phải lo lắng hay trăn trở điều gì ngoài việc chú tâm vào sản xuất kinh doanh. 

 

Công ty TNHH May mũ giày da Ðỉnh Vàng, xã Thụy Hà có 596 lao động, trong đó có 2 lao động là người Trung Quốc phụ trách kỹ thuật. Mặc dù thời gian qua, hầu hết các công nhân làm việc trong Công ty đều biết việc công nhân ở một số địa phương tập trung đông người thể hiện lòng yêu nước phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, nhưng 100% công nhân không tham gia bất cứ hành động nào gây cản trở tới tình hình hoạt động của Công ty.

 

Ðến nay, tất cả công nhân vẫn  miệt mài làm việc, không có tư tưởng phản đối người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đang làm việc tại địa phương. Do đó, trong những ngày tình hình trên Biển Ðông diễn ra căng thẳng, 2 lao động người Trung Quốc vẫn yên tâm làm việc và sinh hoạt tại Công ty. Ðến nay, các dây chuyền vẫn duy trì sản xuất bình thường, ổn định, công nhân đi làm đầy đủ và chưa có các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại khu vực nhà máy.

 

Một góc Nhà máy đóng tàu Ðại Dương (huyện Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

 

Ðặc biệt, Thái Thụy còn là huyện ven biển có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn với 178 doanh nghiệp vận tải biển đang hoạt động trên ngư trường chính ở vịnh Bắc Bộ với trên 200 tàu với tổng trọng tải trên 800.000 tấn, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Do vậy, đây là dịp để các doanh nghiệp vận tải biển trong toàn huyện tích cực ra khơi bám biển, thể hiện lòng yêu nước chân chính.

 

Ông Ðỗ Quang Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Dũng Thành Trung là một trong số doanh nghiệp vận tải biển lớn nhất huyện Thái Thụy cho biết: “Hơn 20 năm nay gia đình tôi duy trì hoạt động trên biển với công việc chính là thu mua, khai thác và chế biến hải sản. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cao số lượng cũng như trọng tải tàu. Từ tàu trọng tải 7 - 8 tấn đến 10 tấn, 40 tấn và đến nay là tàu với công suất 100 tấn. Trước diễn biến trên Biển Ðông, Công ty đã không do dự mà còn tiếp tục đầu tư thêm 2 tàu vỏ sắt với trọng tải trên 200 tấn, dự tính tới tháng 7 này sẽ hạ thủy.

 

Ngoài ra, Công ty còn phát động công nhân và các anh em ở ngư trường tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, ra khơi bám biển, cảnh giác đề phòng, thường xuyên gắn kết liên lạc 2 chiều qua đường điện thoại về tình hình trên biển. Do đó, trong những ngày qua toàn bộ 4 tàu đánh bắt cá và 35 anh em công nhân trên ngư trường vịnh Bắc Bộ vẫn giương cao ngọn cờ Tổ quốc, hăng say đánh bắt hải sản. Trung bình mỗi chuyến ra khơi từ 3 - 5 ngày, Công ty đánh bắt được 80 tấn cá các loại và thu mua được từ 60 - 70 tấn cá. Chỉ trong gần 1 tháng qua Công ty đánh bắt được gần 500 tấn cá các loại, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm”. Không chỉ có Công ty của ông Dũng mà các doanh nghiệp vận tải biển khác vẫn tiếp tục kiên trì bám biển khai thác với khối lượng lớn để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc như Công ty Cổ phần Vận tải biển Hoàng Phát, Công ty TNHH Vận tải biển Hoàng Ðạt...

 

Có được kết quả trên là do ngay sau khi sự việc công nhân ở một số nhà máy tập trung đông người, huyện Thái Thụy đã chủ động mời toàn bộ doanh nghiệp trong huyện họp và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự đồng thời động viên các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, quản lý công nhân, bảo đảm đầy đủ chế độ cho người lao động.

 

Ðối với các doanh nghiệp vận tải biển, ngoài việc tuyên truyền vận động, động viên ngư dân tiếp tục bám biển, huyện Thái Thụy còn yêu cầu các chủ doanh nghiệp cập nhật thông tin cho ngư dân về diễn biến trên các vùng biển và các biện pháp phòng tránh rủi ro trên biển. Hướng dẫn cho các ngư dân hoạt động theo mô hình tổ đội khi khai thác đồng thời cũng tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ chủ trương của Ðảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết những mâu thuẫn trên biển và các phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời nếu có rủi ro xảy ra trên biển.

    Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa