Chủ nhật, 22/12/2024, 09:50[GMT+7]

Hoạt động của các tổ chức tín dụng ở Thái Thụy Còn nhiều khó khăn, thách thức

Thứ 4, 11/06/2014 | 09:08:44
2,029 lượt xem
Trên địa bàn huyện Thái Thụy hiện có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động với 77 điểm giao dịch trải khắp 48 xã, thị trấn. Với mạng lưới rộng khắp, các TCTD đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đầu tư vốn phục vụ các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ðược vay vốn từ Quỹ TDND Thái Thịnh (Thái Thụy), gia đình anh Ðỗ Văn Mên (thôn Ðông Thịnh, xã Thái Thịnh) đã đầu tư phát triển chăn nuôi cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm.

 

Thời gian qua, do suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các TCTD trên địa bàn huyện Thái Thụy. Ðến ngày 30/4, dư nợ cho vay phát triển kinh tế - xã hội của các TCTD toàn địa bàn đạt 4.146,4 tỷ đồng, giảm 7,5% so với 31/12/2013, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, thủy sản chiếm 14,7%, cho vay CN - TTCN, xây dựng chiếm 39% và cho vay thương mại, dịch vụ chiếm 46,3%.

 

Không chỉ tăng trưởng tín dụng âm, lãi suất cho vay của một số khoản vay cũ tại các TCTD trên địa bàn huyện Thái Thụy còn cao (trên 13%) với tổng dư nợ 388,75 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng dư nợ toàn huyện, trong đó các quỹ tín dụng nhân dân chiếm 69,14%, Ngân hàng TMCP Hàng Hải chiếm 29,62%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chiếm 0,77%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương chiếm 0,24% và Ngân hàng TMCP Ðại Dương chiếm 0,23%.

 

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung ở lĩnh vực vận tải biển, trong khi việc xử lý nợ xấu, thu hồi nợ tồn đọng của các dự án vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm. Một trong những khó khăn nữa trong hoạt động của các TCTD trên địa bàn huyện Thái Thụy đó là một số TCTD cho vay các dự án lớn như Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng TMCP Hàng Hải, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển nhưng chưa có điểm giao dịch trên địa bàn huyện, một số quỹ tín dụng nhân dân trụ sở làm việc còn chật hẹp, phòng giao dịch còn phải đi thuê nên gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, triển khai sản phẩm dịch vụ, quản lý và giám sát khách hàng.

 

Ðứng trước những khó khăn, thách thức đó, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các TCTD trên địa bàn huyện Thái Thụy triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Ðể hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất trong sản xuất kinh doanh, từ năm 2013 đến nay, các TCTD trên địa bàn huyện đã tích cực tiết kiệm chi phí, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trên tất cả các lĩnh vực.

 

Ðến ngày 30/4, mặt bằng lãi suất cho vay VND trên địa bàn huyện đã giảm 4,5%/năm so với thời điểm cuối năm 2012, phổ biến ở mức 9 - 11%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 11 - 12%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn huyện còn thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn với khách hàng như: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 52 khách hàng với tổng dư nợ 187,3 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 358 khách hàng với tổng số tiền được gia hạn 8,2 tỷ đồng và miễn, giảm lãi vay cho 2.963 khách hàng với số tiền 2,341 tỷ đồng.

 

Không chỉ tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, các TCTD trên địa bàn huyện còn ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NÐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ. Ðến ngày 30/4, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đạt 1.550 tỷ đồng, chiếm 37% tổng dư nợ cho vay toàn huyện. Riêng 12 xã điểm xây dựng nông thôn mới, 4 tháng đầu năm 2014, các TCTD đã giải ngân 210 tỷ đồng phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và mở rộng phát triển sản xuất ở các địa phương.

 

Bên cạnh đó, các TCTD còn tăng cường trang bị và ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển các dịch vụ, tạo nhiều thuận lợi cho cán bộ và nhân dân trong sử dụng các dịch vụ của các TCTD. Ðến ngày 30/4, các TCTD trên địa bàn huyện đã lắp đặt 6 máy ATM, 3 máy POS, thực hiện trả lương qua tài khoản cho 242 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với tổng số lao động nhận lương qua tài khoản khoảng 5.500 người.

 

Thời gian tới, các TCTD trên địa bàn huyện tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kịp thời kiến nghị trung ương, tỉnh và huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân kịp thời vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh. Chú trọng đầu tư cho các cơ sở chế biến thủy sản, cơ sở kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm làng nghề (chế biến nước mắm, mây tre đan, thêu, đệm ghế cói, chế biến hành, chế biến dưa chuột…).

 

Ðối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các TCTD cũng tập trung đầu tư cho các vùng nuôi trồng thủy sản xã Thái Ðô, Thái Hòa, vùng nuôi tằm tơ xã Thái Hòa và cho vay phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, cho vay xây dựng nông thôn mới tại các xã trong huyện. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn huyện cũng chấp hành nghiêm túc nguyên tắc, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay; tổ chức rà soát, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo đúng quy định đặc biệt là các khoản cho vay cũ trên 13%/năm.

Minh Hương

 

  • Từ khóa