Thứ 7, 21/12/2024, 23:42[GMT+7]

Thái Thụy Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và di dân trong bão lũ

Thứ 2, 28/07/2014 | 08:35:13
968 lượt xem
Hiện nay, các công việc chuẩn bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn và di dời dân đã được các cơ quan, đơn vị, cá nhân ở Thái Thụy thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Thái Thụy đã sẵn sàng thực hiện cứu hộ, cứu nạn và di dân một cách chủ động, kiên quyết, bảo đảm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển tại Thái Thụy.

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn huyện Thái Thụy cho biết: Thái Thụy là huyện ven biển có hệ thống đê sông, đê biển kéo dài và nhiều công trình dưới đê; số phương tiện khai thác thủy sản và lao động trên biển rất lớn; đồng thời số dân nằm trong diện phải di dời khi có bão, lũ, nước biển dâng là 8.214 người thuộc 3.523 hộ. Với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Thái Thụy đã quán triệt, triển khai nhiều biện pháp đến các đơn vị, địa phương để chủ động, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và di dân phục vụ công tác phòng chống lụt bão (PCLB) năm 2014.

Thái Thụy có tổng 87,3km đê, trong đó đê sông 19,7km, đê cửa sông 36,5km, đê biển 31,1km; dưới các tuyến đê có 73 cống, 19 kè lát mái và kè hộ bờ, với tổng chiều dài 17,522km. Cùng với hệ thống đê kéo dài và công trình dưới đê nhiều, Thái Thụy còn có 465 tàu thuyền, với 1.503 lao động làm nghề khai thác thủy sản; gần 3.700ha nuôi trồng thủy sản và hàng nghìn lao động tại các đầm, bãi triều... Vì vậy, trước mỗi mùa mưa, bão nhiệm vụ đặt ra cho Thái Thụy hết sức nặng nề, vừa bảo đảm an toàn cho các xã nội đồng, vừa thực hiện các giải pháp cứu hộ, cứu nạn trên biển và di dân khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Để thực hiện có hiệu quả công tác PCLB nói chung, cứu hộ, cứu nạn và di dân nói riêng, Thái Thụy đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê, thủy lợi thuộc địa bàn quản lý. Từ đó huy động các nguồn lực của địa phương để chủ động tu bổ, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB như đào đất, tập kết vật liệu... ở mặt, mái, cơ và sát chân đê.

Các xã, thị trấn ven biển phối hợp với Trạm Kiểm ngư Diêm Điền và lực lượng biên phòng kiểm tra, rà soát việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tàu thuyền vận tải theo phân cấp. Chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của địa phương đang hoạt động ngoài đê, trên biển, khi có bão, áp thấp nhiệt đới hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn. Đặc biệt, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện phương án sơ tán dân vùng cửa sông, ven biển và vùng xung yếu; tổ chức tập huấn, phổ biến kinh nghiệm về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cho lực lượng PCLB, cứu hộ, cứu nạn. Riêng đối với công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân, Thái Thụy yêu cầu phải có sự phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cứu hộ, cứu nạn và di dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Ngoài ra cần phải khai thác, sử dụng tối đa các lực lượng, phương tiện, dụng cụ đã được chuẩn bị để đáp ứng với khả năng cao nhất khi có tình huống xấu xảy ra.

Hiện nay, vật tư, phương tiện tại các vị trí xung yếu có 4.358m3 đá hộc; tại kho của Hạt Quản lý đê điều huyện có 500m2 vải lọc, 29.600 bao bì các loại, 4.600m2 vải bạt chống tràn và 2.500 ghim sắt...; các xã, thị trấn ven biển có 90 máy trực canh. UBND huyện đã giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn về nhân lực gồm: canh coi đê 490 người, xung kích 6.890 người, cừ sách 1.940 người, giao thông 117 người; 282.500 bao bì, 6.100 đèn pin... Trong phương án di dân, Thái Thụy kiên quyết thực hiện không để người dân nào trong diện phải di dời ở lại; khi có áp thấp nhiệt đới, bão đổ bộ vào, những hộ phải di dời sẽ được thông báo sớm. Mỗi cán bộ, đảng viên của địa phương sẽ chịu trách nhiệm đôn đốc, giúp đỡ từng gia đình; ưu tiên người bị bệnh, tàn tật, già cả, neo đơn, trẻ em, phụ nữ di dời trước.

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Tiểu ban cứu hộ, cứu nạn cho biết: Thái Thụy đã tổ chức kiểm tra, khảo sát và thống kê số hộ buộc phải di dời khi có thiên tai xảy ra, việc di dời của từng xã đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết. Cụ thể như xã Thái Thượng có 74 hộ, số người hiện đang sinh sống trong những hộ gia đình này là 285 người, khi có lệnh di dời thì các hộ dân sẽ di chuyển bằng xe máy đến các đền, chùa để tránh trú. Hay như xã Thụy Xuân có 332 hộ, số khẩu hiện đang sinh sống trong hộ gia đình là 710, khi có sự cố cần di dời thì đi bộ sang các nhà kiên cố để tránh trú. Khi có tin bão trên biển Đông, áp thấp nhiệt đới gần bờ, tin bão khẩn cấp, các lực lượng chức năng sẽ bắn pháo hiệu tại cửa sông Diêm Hộ, mỗi đêm bắn pháo hiệu 2 lần, mỗi lần 6 phát màu đỏ; trong trường hợp đặc biệt, hoặc khẩn cấp, đơn vị chức năng sẽ chủ động tăng số lần bắn pháo hiệu, kể cả ban ngày.

Hiện nay, các công việc chuẩn bị cho công tác cứu hộ, cứu nạn và di dời dân đã được các cơ quan, đơn vị, cá nhân ở Thái Thụy thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Thái Thụy đã sẵn sàng thực hiện cứu hộ, cứu nạn và di dân một cách chủ động, kiên quyết, bảo đảm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Nguyên Bình

  • Từ khóa