Thứ 2, 29/07/2024, 23:24[GMT+7]

HTX DVNN AN NINH - QUỲNH PHỤ - THÁI BÌNH Đồng hành cùng nông dân xóa đói, giảm nghèo

Thứ 6, 22/10/2010 | 10:24:52
2,263 lượt xem
Sau khi chuyển đổi mô hình HTX theo Luật, hoạt động của HTX Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) An Ninh (Quỳnh Phụ) ngày càng đa dạng và hiệu quả.

Cơ sở chế biến ớt xuất khẩu của xã viên HTX DVNN An Ninh (Quỳnh Phụ) Ảnh: Vũ Mạnh

Hàng năm, Ban quản trị HTX đều chỉ đạo làm tốt các khâu dịch vụ, đồng thời tham mưu với cấp uỷ, chính quyền xây dựng các đề án sản xuất phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hàng hoá và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

HTX DVNN An Ninh đã xây dựng và tổ chức thực hiện 6 khâu dịch vụ phục vụ sản xuất gồm: Dịch vụ thuỷ nông, dịch vụ bảo vệ thực vật, chuyển giao KH- KT, bảo vệ đồng điền, dịch vụ thú y và dịch vụ vật tư nông nghiệp.

Hàng năm căn cứ vào quỹ thuỷ lợi phí thu trên đầu sào và hướng dẫn cấp bù thuỷ lợi phí của cấp trên, ngay từ đầu vụ, HTX đã chủ động lập kế hoạch, giao chỉ tiêu định mức và phân bổ rõ nguồn vốn cho các thôn. Vụ đông xuân năm 2009- 2010, HTX đã huy động nguồn kinh phí đầu tư cho thuỷ lợi nội đồng lên tới gần 800 triệu đồng, lớn nhất từ trước đến nay, chưa kể phần kinh phí do UBND xã làm chủ đầu tư lên tới 268 triệu đồng.

Nguồn kinh phí nói trên giúp HTX tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cứng hoá kênh mương, nạo vét các sông trục, khép kín hệ thống bờ vùng, bờ thửa góp phần điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất trong suốt vụ, đặc biệt là phòng chống úng trong vụ mùa. Để hạn chế sâu bệnh phát sinh, gây hại, HTX điều hành tổ BVTV thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm vững tình hình diễn biến phát sinh của các đối tượng sâu bệnh, từ đó tham mưu giúp ban quản trị đề xuất các chủ trương, biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả và tổ chức các chiến dịch phun trừ sâu bệnh kịp thời.

Công tác chuyển giao KH- KT cho nông dân được chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền thông qua các cuộc họp, hướng dẫn trên hệ thống loa truyền thanh, xây dựng mô hình điểm... Trong đó đáng chú ý nhất là việc phối hợp với các đoàn thể chính trị- xã hội mà nòng cốt là hội nông dân và phụ nữ mở các lớp tập huấn chuyển giao KH- KT tập trung vào việc hướng dẫn cách thức sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, quy trình canh tác và chăm sóc một số cây, con giống mới...

Trước những biến động phức tạp về giá vật tư nông nghiệp thì việc HTX đứng ra cung ứng các mặt hàng phục vụ sản xuất giúp xã viên yên tâm, bởi nguồn hàng của HTX được chọn lựa bảo đảm về chất lượng và giá cả, đặc biệt HTX thực hiện bán một số loại vật tư theo phương thức trả chậm giúp nhiều hộ có điều kiện chăm sóc cây, con đúng lịch thời vụ. Trung bình hàng năm HTX bán ra khoảng 400 triệu đồng tiền vật tư các loại.

Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các khâu dịch vụ, HTX DVNN An Ninh còn làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền trong việc xây dựng các đề án sản xuất cũng như hoạch định và triển khai các chủ trương lớn về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật nhất là việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Do có sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và ban quản trị HTX đã giúp điều chỉnh cơ  cấu giống lúa chuyển biến nhanh theo hướng tích cực, tỷ lệ nhóm giống ngắn ngày vụ xuân chiếm tới 97,7% diện tích gieo cấy, diện tích lúa hàng hoá vươn lên chiếm xấp xỉ 44% tổng diện tích với đa dạng các loại giống như N87, N97, Hương thơm, Thiên hương... Năng suất lúa luôn được duy trì ở mức 134,6 tạ/ ha/ năm.

Cùng với hai vụ lúa, HTX chỉ đạo các hộ xã viên tích cực tham gia phát triển cây màu, cây vụ đông. Hiện tại diện tích cây vụ đông hàng năm ở An Ninh luôn đạt mức 190 ha, trong đó chủ lực là cây ớt chiếm tới 135- 140 ha. Cây ớt tuy đòi hỏi rất khắt khe về thời vụ gieo trồng, nhưng bù lại thị trường tiêu thụ khá ổn định và hiệu quả kinh tế luôn cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác, trừ đi các khoản chi phí người trồng ớt vẫn còn thực lãi trung bình từ 2- 4 triệu đồng/ sào/ vụ.

Đặc biệt thông qua các lớp chuyển giao KH- KT đã giúp người nông dân thay đổi đáng kể về tư duy và phương pháp chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự phát giảm hẳn thay vào đó là hình thức chăn nuôi tập trung quy mô gia trại, trang trại. Cơ cấu đàn cũng có sự thay đổi đáng kể theo nhu cầu của thị trường, toàn xã hiện có từ 6.500- 7.000 con lợn, 682 con bê nghé và khoảng 55.000- 60.000 con gia cầm các loại. Hàng năm riêng lợn thịt đã cung ứng cho thị trường khoảng 450- 500 tấn thịt lợn hơi và 16.000- 18.000 con lợn sữa với sản lượng khoảng 120- 130 tấn.

Nhờ làm tốt các khâu dịch vụ, chủ động tham mưu và trực tiếp tham gia triển khai các đề án sản xuất của HTX DVNN An Ninh đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển toàn diện. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản của An Ninh trong năm 2010 này ước đạt 71 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác đạt 84 triệu đồng/ năm. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, năm 2010, giá trị sản xuất ước đạt 28,5 tỷ đồng, chiếm 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn xã.

Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa