Thứ 6, 27/12/2024, 19:36[GMT+7]

10 năm thực hiện Pháp lệnh Thú y

Thứ 6, 29/08/2014 | 09:10:05
1,777 lượt xem
Sau Pháp lệnh Thú y năm 1993, hệ thống chuyên ngành thú y lần đầu tiên được xây dựng từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên hệ thống tổ chức của cơ quan thú y ở địa phương chưa được quy định cụ thể. Pháp lệnh Thú y năm 2004 đã tạo một bước chuyển biến mới trong công tác củng cố, sắp xếp kiện toàn hợp lý và hiệu quả hệ thống tổ chức thú y trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Phun thuốc khử trùng tiêu độc tại ổ dịch trong diễn tập phòng, chống dịch cúm trên đàn gia cầm. Ảnh: Thành Tâm

 

Thực hiện quy định của Pháp lệnh Thú y năm 2004, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/2005/QÐ-UBND ngày 9/3/2005 quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của ban chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn. Theo đó, hệ thống tổ chức của Chi cục Thú y được hình thành và phát triển ổn định trong nhiều năm qua, tạo sự ổn định về mặt tổ chức, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về thú y. Hiện nay, hệ thống của Chi cục Thú y được kiện toàn với 5 phòng chuyên môn và 8 trạm thú y ở các huyện, thành phố. Mạng lưới thú y cơ sở có sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Trước năm 2004, nhân viên thú y cơ sở hầu như không được hưởng các chế độ về tiền lương hay phụ cấp, do đó hầu hết không mặn mà với công việc, không chú trọng nâng cao kiến thức chỉ tham gia một lớp đào tạo ngắn hạn được tổ chức tại địa phương nên năng lực trình độ rất hạn chế.

 

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo về mức phụ cấp cho nhân viên thú y ở xã, phường, thị trấn. Năm 2008, mức phụ cấp cho trưởng ban chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn được điều chỉnh từ 100.000 đồng/tháng lên mức phụ cấp 1,0 hệ số lương cơ bản, thời gian thực hiện từ tháng 1/2009. Sự điều chỉnh này đã ghi nhận đóng góp của hệ thống thú y cơ sở, góp phần củng cố, từng bước phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát và phòng, chống, kiểm soát các dịch bệnh ở động vật, bảo vệ vật nuôi.

 

Những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm phân bổ ngân sách, đầu tư xây dựng cơ sở làm việc của 1 trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị động vật. Với trang thiết bị hiện có đã thực hiện công tác chẩn đoán, xét nghiệm nhanh một số dịch bệnh thủy sản. Chi cục Thú y đang tiếp tục đề nghị tỉnh đầu tư bổ sung các thiết bị để tiến tới thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm một số dịch bệnh nguy hiểm khác ở động vật, nâng cao năng lực giám sát và xử lý sớm dịch, không phụ thuộc nhiều thời gian khi gửi mẫu đi lên trung ương.

 

Pháp lệnh Thú y năm 2004 đã giúp tăng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thú y trên địa bàn tỉnh so với các năm trước đây, trong đó nguồn lực chủ yếu từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và từ công tác xã hội hóa. Từ năm 2010 - 2013, kinh phí mua vắc-xin cấp hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đạt gần 23,7 tỷ đồng trong đó kinh phí của tỉnh gần 21 tỷ đồng, chiếm 88%, kinh phí trung ương gần 2,7 tỷ đồng (12%). Tổng lượng hóa chất đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh gồm 55.000 lít Benkocid, 37.000 lít Iodine và 45.000kg Chlorin (trung ương hỗ trợ 107 tấn, tỉnh hỗ trợ 30.000kg), tương ứng với nguồn kinh phí khoảng 10,4 tỷ đồng. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình dịch bệnh phát sinh, UBND tỉnh đã cấp bổ sung kinh phí phục vụ phòng, chống dịch đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Công tác thú y còn thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư do thụ hưởng các hoạt động hợp tác về thú y, giúp giảm bớt gánh nặng kinh phí. Từ năm 2011 đến nay, đã có khoảng 15 tỷ đồng từ các dự án, đề tài về thú y được đầu tư vào Thái Bình.

 

Ðề án “Tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tỉnh Thái Bình” và Quyết định số 04/2012/QÐ-UBND ngày 18/1/2012 của UBND tỉnh đã hỗ trợ, tăng cường năng lực chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Ðề án đã củng cố, nâng cao chất lượng nguồn lực hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng hoạt động giám sát và xử lý dịch, dịch bệnh được chủ động phát hiện sớm, các ổ dịch được xử lý triệt để, không lây ra diện rộng, thời gian khống chế dịch ngắn, thiệt hại kinh tế giảm, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất chăn nuôi của tỉnh.

 

Trong những năm qua, Pháp lệnh Thú y có vai trò quan trọng tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về thú y, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm sự thống nhất với các luật, pháp lệnh khác, tạo thuận lợi cho các đối tượng có hoạt động liên quan đến thú y; giúp đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thú y nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, phù hợp với yêu cầu của tiến trình hội nhập của đất nước với các nước trong khu vực và quốc tế. Ðể  phù hợp với yêu cầu thực tế, Pháp lệnh Thú y đang được xem xét sửa đổi, bổ sung nâng thành Luật Thú y để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Văn Quyết

 

  • Từ khóa