Thứ 2, 20/05/2024, 22:59[GMT+7]

Tiền Hải Nỗ lực mở rộng diện tích cây vụ đông

Thứ 2, 22/09/2014 | 09:18:40
1,075 lượt xem
Ðối với nhiều địa phương khác trong tỉnh, vụ đông luôn là vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người nông dân. Thế nhưng, với huyện Tiền Hải, việc mở rộng diện tích cây vụ đông hết sức khó khăn, mặc dù các cấp, các ngành đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời.

Nông dân xã An Ninh chăm sóc cây củ đậu trong vụ đông năm 2013. Ảnh: PHAN ANH

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ

Những năm qua, UBND huyện Tiền Hải đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất vụ đông nhằm mở rộng diện tích, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ðiển hình như vụ đông năm 2014, UBND huyện hỗ trợ 50% tiền giống ớt; hỗ trợ giống khoai tây trồng đại trà với diện tích quy vùng trồng từ 5ha trở lên 80.000 đồng/sào; hỗ trợ 100% giống bí xanh cho các xã trồng từ 2ha trở lên. Ngoài ra, UBND huyện còn hỗ trợ kinh phí chỉ đạo, điều hành cho các xã có diện tích trồng cây vụ đông vượt và đạt kế hoạch huyện giao 5 triệu đồng/xã. Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để bà con nắm vững kỹ thuật sản xuất, nâng cao nhận thức về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng...

Vụ đông năm 2014, Tiền Hải phấn đấu gieo trồng 3.700ha, trong đó chủ yếu là khoai lang, khoai tây, dưa bí và các loại rau màu. Ðể bảo đảm diện tích, cơ cấu cây trồng, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án, kế hoạch sản xuất vụ mùa phải gắn kết liên hoàn với kế hoạch sản xuất vụ đông, bảo đảm sản xuất an toàn, hợp lý trong cả vụ mùa và vụ đông. Hiện nay, diện tích lúa mùa đang trong thời kỳ trỗ bông, vào mẩy. Toàn huyện phấn đấu thu hoạch 500ha lúa mùa sớm trước ngày 5/10 để tạo quỹ đất trồng các loại cây vụ đông ưa ấm bảo đảm đúng lịch thời vụ.

Khó khăn trong mở rộng diện tích

Mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như vậy nhưng việc mở rộng diện tích cây vụ đông những năm qua ở Tiền Hải vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Người dân ở đây cho rằng, nguyên nhân chính là do đầu ra của sản phẩm bấp bênh không ổn định, gây khó khăn cho người lao động. Trong khi đó, trên địa bàn huyện hiện đang phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp nên thu hút lượng lao động khá lớn. Ông Phạm Ngọc Tứ (thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh) chia sẻ: Trước kia, vụ đông mang lại giá trị thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Tuy nhiên,  song vài năm trở lại đây, khi giá trị của cây vụ đông không còn cao như trước, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong xã đã giảm dần diện tích cây vụ đông.

Ông Ðỗ Văn Rạng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh cho biết: Nhiều năm qua, An Ninh luôn là một trong những xã có diện tích cây vụ đông dẫn đầu toàn huyện. Tuy nhiên, những năm gần đây việc mở rộng diện tích cây vụ đông của xã rất khó khăn do lao động làm nông nghiệp chủ yếu là người cao tuổi. Hiện nay, toàn xã có 7.100 nhân khẩu, trong đó trên 3.000 người đang trong độ tuổi lao động thì có tới hơn 1.800 lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và lao động tự do. Vụ đông năm 2013, toàn xã đề ra mục tiêu gieo trồng 200ha cây vụ đông nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được 160ha (đạt 80%). Vụ đông năm nay, An Ninh tiếp tục phấn đấu gieo trồng 200ha cây vụ đông, chủ yếu vẫn là khoai tây với 70ha, rau màu các loại khoảng 45ha, khoai lang 35ha, dưa bí khoảng 30ha, ngoài ra còn một số loại cây trồng khác. Ðể chuẩn bị cho sản xuất vụ đông, hiện nay UBND xã đã chỉ đạo các thôn làm tốt khâu dịch vụ như thủy nông, bảo vệ thực vật, giống, phân bón...; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

 

Ông Phạm Ngọc Tứ (thôn Trình Trung Tây, xã An Ninh, Tiền Hải) chăm sóc diện tích cây củ đậu của gia đình.

Trong thời gian tới, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, huyện Tiền Hải cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm. Ðể làm được điều đó, huyện nên xây dựng các cánh đồng chuyên canh cây vụ đông, lựa chọn nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất. Hy vọng trong những năm tới, nông dân Tiền Hải sẽ chủ động và gắn bó với đồng ruộng hơn mỗi khi vụ đông đến.

Phạm Hưng

  • Từ khóa