Thứ 2, 20/05/2024, 23:19[GMT+7]

Người tiên phong trong phong trào chăn nuôi

Thứ 5, 25/09/2014 | 08:25:29
817 lượt xem
Về đến thôn Hành Hữu Nghĩa, xã Duy Nhất (Vũ Thư), ai cũng biết đến trang trại rộng gần 24 mẫu nằm cạnh sông Hồng trù phú và đầy tiềm năng phát triển. Ðó là trang trại của gia đình anh Trần Văn Toàn, một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại nơi đây.

Anh Trần Văn Toàn chăm sóc đàn lợn tại trang trại.

 

Năm 2000, anh Toàn đã đấu thầu hơn 10 mẫu ao của xã để mở  rộng trang trại, phát triển chăn nuôi. Hiện nay, anh cùng các anh em trong gia đình đã xây dựng trang trại rộng gần 24 mẫu để nuôi, cá, lợn, gà, ngan, vịt. Ao nuôi cá của trang trại rộng hơn 10 mẫu được nuôi thả các loại cá truyền thống (trắm, chép, mè, trôi), trừ các loại chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về gần 300 triệu đồng. Cuối năm nay, anh đang dự định đầu tư khoảng 700 triệu đồng thả nuôi những giống cá có giá trị kinh tế cao như cá năng, trắm đen, chép.

 

Ngay từ những ngày đầu nhận đấu thầu khu ao xung quanh ao của UBND xã để mở trang trại, đã có nhiều ý kiến từ gia đình phản đối vì ao quá dài và rộng, khi mở trang trại rất khó quy hoạch và quản lý, vốn đầu tư sẽ rất lớn. Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược của người tâm huyết với công việc chăn nuôi, anh đã nhìn nhận sự khó khăn đó lại là lợi thế. Ao nằm cạnh sông Hồng, được ngăn bởi một dải đất dài, cao thích hợp cho xây dựng chuồng trại để nuôi tổng hợp các loại gia súc, gia cầm.

 

Tận dụng lợi thế địa hình của trang trại nằm giáp với sông Hồng, ngay từ những ngày đầu mở trang trại, anh đã kết hợp nuôi cá lồng trên sông Hồng. Ban đầu, anh làm lồng nuôi cá bằng tre, luồng nên hiệu quả chưa cao, năng suất bấp bênh. Năm 2011, anh quyết định đầu tư gần 400 triệu đồng làm mới 6 lồng hiện đại bằng típ sắt và vây lưới để nuôi cá; anh là 1 trong 3 người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông của huyện Vũ Thư. Hiện tại anh đang thả nuôi 20.000 con cá năng giống, trong những ngày tới cá sẽ được thả sang các lồng trên sông. Theo tính toán của anh, nếu thuận lợi sẽ thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Toàn đã đầu tư mua máy nghiền sản xuất thức ăn tổng hợp cho cá, gia súc, gia cầm tại trang trại nhà mình. Vì vậy, mỗi năm anh đã tiết kiệm được khá nhiều tiền để đầu tư vào tái sản suất chăn nuôi. 

 

Tuy đã tạo dựng được một trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô, nhưng trong quá trình chăn nuôi anh đã gặp không ít khó khăn, anh cho biết: Trong những năm qua, trang trại anh luôn gặp những rủi ro từ các đợt dịch bệnh làm cho vật nuôi chết nhiều, nhất là gia cầm. Thêm vào đó, mấy năm gần đây giá cả thị trường biến động, giá thành đầu tư thức ăn chăn nuôi cao, sản phẩm chăn nuôi thấp đã gây bất lợi cho anh. Ngoài ra, chăn nuôi cần rất nhiều vốn, nhưng anh chưa tiếp cận được với các tổ chức tín dụng để vay vốn ưu đãi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Anh rất mong muốn được Trạm Thú y huyện và các tổ chức hỗ trợ bà con chăn nuôi tập huấn về kỹ thuật và cho vay vốn ưu đãi để mở rộng chăn nuôi, hạn chế được dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

 

Ông  Vũ Quang Hậu, Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết: Hiện nay, trang trại gia đình anh Trần Văn Toàn là trang trại duy nhất của xã thuộc đất công ích (đất 5%) xã cho anh Toàn đấu thầu. Anh Trần Văn Toàn không chỉ là người cần cù chăm chỉ mà còn mạnh dạn trong đầu tư phát triển chăn nuôi, anh là người tiên phong trong phong trào chăn nuôi của xã.  Mong rằng trong thời gian tới, anh Toàn tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, để trang trại của anh ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy mạnh phong trào chăn nuôi xã nhà.

Văn Quyết

 

  • Từ khóa