Thứ 2, 20/05/2024, 23:38[GMT+7]

Đông Hưng Mở rộng diện tích gieo trồng cây bí vụ đông

Thứ 5, 25/09/2014 | 08:31:01
1,233 lượt xem
Bí là cây vụ đông ưa ấm nên đòi hỏi rất khắt khe về khung lịch thời vụ và dễ bị tác động của thời tiết, đặc biệt là thời điểm ra hoa đến giai đoạn quả non. Nếu trồng càng muộn thì hiệu quả năng suất đạt càng thấp. Do vậy, huyện Ðông Hưng tập trung tuyên truyền bà con đưa bầu bí ra ruộng theo đúng lịch thời vụ.

Ông Phạm Như Chỉnh, thôn Ðông Bình Cách (xã Ðông Xá, Ðông Hưng) chăm sóc cây bí trước khi đưa ra ruộng.

 

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Ðông Hưng: Những năm qua huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, tập trung vào những loại cây trồng có năng suất, giá trị thu nhập cao, trong đó đặc biệt chú trọng tới cây bí. Do bí dễ trồng, chăm sóc đơn giản, năng suất cao, dễ bảo quản, thời gian sinh trưởng ngắn, không khó về đầu ra sản phẩm nên đã nhanh chóng phát triển ở nhiều xã trong huyện. Năm 2008, Ðông Hưng đã gieo trồng 400ha bí tập trung ở một số xã như Ðông Xá, Phú Lương, Lô Giang; năm 2012 tăng lên 600ha và năm 2014 đã có 35 xã đăng ký phấn đấu gieo trồng 700ha bí trở lên. Ðến thời điểm này, xã đăng ký diện tích gieo trồng bí nhiều nhất là Lô Giang với 97,5ha, Phú Lương 80ha và Ðông Xá 72,5ha, các xã còn lại trồng rải rác từ 5 - 20ha.

 

Ðể khuyến khích người dân duy trì và mở rộng diện tích gieo trồng cây bí, 3 năm qua huyện Ðông Hưng đã thực hiện cơ chế hỗ trợ 100% giống bí các loại với định mức 0,6kg/ha. Ngay trong tháng 8 vừa qua, huyện đã chỉ đạo các xã lập danh sách các hộ đăng ký gieo trồng bí và chủ động phát giống sớm cho bà con.

 

Ðông Xá là một trong những xã có truyền thống gieo trồng cây bí hàng chục năm nay ở Ðông Hưng, ông Phạm Văn Hạnh, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Trước năm 2000, cây bí đã gieo trồng rải rác trên đồng đất Ðông Xá. Trải qua nhiều vụ thu hoạch, người dân địa phương đã đưa cây bí trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông. Cũng vì thế mà bà con Ðông Xá đã có nhiều kinh nghiệm để trồng bí từ công đoạn làm bầu tới việc chăm sóc, đặt bầu ngoài ruộng. Các hộ dân đã chọn những giống lúa ngắn ngày gieo cấy trong vụ mùa để tạo quỹ đất cho trồng bí như Hương thơm, Nếp 87. Ấn tượng nhất là ở thời điểm đầu vụ năm 2010, giá bí trên 9.000 đồng/kg, có hộ đã bán được 42 triệu đồng tiền bí, còn lại bình quân các hộ đạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, bí dễ tiêu thụ, tới thời điểm thu hoạch, hàng ngày có tới hàng chục xe tải về thu mua nên ai cũng nhận được tiền ngay sau khi bán bí tại ruộng. Do đó, diện tích cây bí đã tăng khá mạnh, từ chỗ chỉ chiếm từ 30 - 40% đến nay đã chiếm trên 50% so với tổng diện tích cây vụ đông của xã, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Ðông Bình Cách, Tây Bình Cách và Tân Tích.

 

Thực tế cho thấy cây bí rất phù hợp với đồng đất Ðông Xá và cho năng suất hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi hộ gieo trồng từ 5 - 7 sào, hộ nhiều gieo trồng từ 1,2 - 1,5 mẫu cho năng suất đạt trung bình từ 8 tạ - 1,2 tấn/sào bán với giá bình quân từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Với kết quả đó, những năm qua người dân Ðông Xá thu nhập bình quân từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/sào bí, góp phần đưa giá trị sản xuất từ cây bí chiếm 2/3 tổng giá trị sản xuất cây trồng vụ đông. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây bệnh héo xanh xuất hiện trên cây bí, ảnh hưởng tới năng suất, hiệu quả thu nhập, khiến nhiều nhà đã bị mất trắng. Do đó vụ đông năm nay Ðông Xá khuyến cáo bà con mở rộng diện tích cây bí xanh sang trồng trên diện tích đất mới, đồng thời mở rộng gieo trồng diện tích bí đỏ vào vùng đất cũ không còn thích hợp với cây bí xanh. Ðây cũng là năm đầu tiên Ðông Xá đưa được cây bí đỏ vào gieo trồng với diện tích 15ha. 

 

Bí là cây vụ đông ưa ấm nên đòi hỏi rất khắt khe về khung lịch thời vụ và dễ bị tác động của thời tiết, đặc biệt là thời điểm ra hoa đến giai đoạn quả non. Nếu trồng càng muộn thì hiệu quả năng suất đạt càng thấp. Do vậy, huyện Ðông Hưng tập trung tuyên truyền bà con đưa bầu bí ra ruộng theo đúng lịch thời vụ. Tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương, theo dõi sát sao tình hình diễn biến sâu bệnh, bảo đảm giá trị sản xuất của cây bí đạt bình quân 2,5 triệu đồng/sào trở lên.  

 Thu Thủy

 

  • Từ khóa