Thứ 2, 20/05/2024, 19:58[GMT+7]

Chuyển đổi mô hình doanh nghiệp nhà nước Thực trạng và giải pháp

Thứ 5, 25/09/2014 | 08:50:56
1,760 lượt xem
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước về đổi mới, sắp xếp, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới, sắp xếp, phát triển lại các DNNN trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều phương án đã được đưa ra để xử lý các vấn đề của DNNN, trong đó cổ phần hóa được cho là phương thức mang lại hiệu quả cao.

Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường bộ Thái Bình thực hiện cổ phần hóa trong năm 2014. Trong ảnh: Công nhân Công ty duy tu, sửa chữa đường bộ.

 

Thực tế cho thấy, đứng trước yêu cầu mới của nền kinh tế, hoạt động của đa số DNNN đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như ngày càng thua lỗ, tỷ lệ nợ xấu chiếm ngày càng cao. Tình hình sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị giảm sút và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Nguyên nhân của những tồn tại trên, một phần là do tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn. Tuy nhiên, nguyên nhân căn bản vẫn là những yếu kém nội tại của các DNNN. Ý thức chấp hành pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành ở một số doanh nghiệp chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật hành chính và kinh doanh có nơi buông lỏng, còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước...

 

Xác định được điều này, thời gian qua tỉnh ta đã coi sắp xếp, đổi mới DNNN là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền kinh tế với mục đích để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo. Tới nay tỉnh ta đã cơ bản sắp xếp, cổ phần hóa 90 DNNN, trong đó cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên 8 doanh nghiệp, chuyển giao cho người lao động 14 doanh nghiệp, sát nhập 10 doanh nghiệp, giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 3 doanh nghiệp và chuyển giao 1 doanh nghiệp.

 

Sau khi thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi, cổ phần hóa, các doanh nghiệp chủ động bố trí lại cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và áp dụng các mô hình quản lý tiến bộ, hiệu quả. Ða số các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, kỹ thuật, tập trung đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chủ lực, đồng thời đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, từng bước mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm. Ðến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định, làm ăn có lãi, chi trả cổ tức cho cổ đông cũng cao hơn, người lao động có thu nhập ổn định. Ðiển hình như Công ty Cổ phần gạch Tiền Phong Thái Bình, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Thái Bình, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Ðầu tư xây dựng Minh Khai...

 

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Thái Bình nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 130 lao động. Ảnh: Văn Quyết

 

Ðối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước, đều xác định rõ trách nhiệm người đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp này đã sắp xếp tinh gọn bộ máy quản lý, phát huy năng lực, sở trường, tăng cường công tác giám sát nội bộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển được phần vốn Nhà nước giao. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động tương đối có hiệu quả, không chỉ doanh thu, lợi nhuận cao mà còn đem lại thu nhập cho người lao động năm sau cao hơn năm trước. Năm 2013, tổng doanh thu của các DNNN đạt 541.360 triệu đồng, tăng 34,6%, lợi nhuận đạt 19.126 triệu đồng, tăng gần 2,5 lần so với năm 2009, nộp ngân sách trên 41 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 5,621 triệu đồng/người/tháng.

 

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Thái Bình là một trong những doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công từ DNNN sang công ty cổ phần, đến nay đã hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty đã ra sức thi đua phát triển sản xuất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ máy móc hiện đại, đem lại doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 130 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngay trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng sản xuất, tiêu thụ của Công ty đạt khoảng trên 900 tấn thịt lợn, doanh thu đạt 65 tỷ đồng. 

 

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu DNNN, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân. Thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện phương án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng kế hoạch định hướng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thực hiện chế độ quản lý tài chính theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thành lập và phát triển doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đưa công nghệ cao, tự động hóa, tiết kiệm năng lượng vào sản xuất. Phấn đấu đến hết năm 2015, 100% DNNN được cổ phần hóa, hoàn thành việc tái cơ cấu DNNN.

           Quốc Cường

 

 

  • Từ khóa