Thứ 2, 20/05/2024, 22:26[GMT+7]

Kinh tế trang trại ở Trọng Quan

Chủ nhật, 28/09/2014 | 18:31:53
1,030 lượt xem
Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, trong những năm qua, xã Trọng Quan (Ðông Hưng) đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất úng, trũng, canh tác lúa kém hiệu quả sang xây dựng trang trại, gia trại tập trung. Sau chuyển đổi, hiệu quả kinh tế đã nâng lên rõ rệt, mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân.

Ông Lại Hữu Miễn chăm sóc đàn bò trong trại của gia đình.

Từ những vùng đất quanh năm úng, trũng, canh tác lúa kém hiệu quả, UBND xã đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con đấu thầu, chuyển đổi xây dựng thành những trang trại, gia trại chăn nuôi. Với việc quy vùng chăn nuôi tập trung, cách xa khu dân cư nên đã bảo đảm vệ sinh môi trường, thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tạo được vùng sản xuất thực phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Toàn xã hiện có 22 trang trại trong đó có 13 trang trại có diện tích từ 2ha trở lên/trang trại. Trên vùng chuyển đổi, hầu hết các chủ trang trại, gia trại tổ chức trồng trọt và chăn nuôi những cây, con mang lại giá trị kinh tế cao như hòe, mía, gấc; lợn, bò, gà, vịt… Ðiển hình như trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Phạm Thị Thuận; trang trại chăn nuôi gà, lợn của ông Nguyễn Văn Vũ; trang trại chăn nuôi gà thương phẩm của ông Nguyễn Ngọc Trìu; trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Viết Tam. 6 tháng đầu năm 2014, tổng đàn trâu, bò trong toàn xã có 249 con; đàn lợn 3.450 con, sản lượng xuất chuồng đạt 125 tấn lợn hơi và 65 tấn lợn sữa; đàn gia cầm có 59.000 con, sản lượng xuất chuồng 132 tấn.

Ðến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Phạm Thị Thuận, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với quy mô cũng như việc xây dựng trang trại rất khoa học. Với số vốn đầu tư 5 tỷ đồng, bà Thuận xây dựng hai dãy chuồng nuôi gà theo công nghệ khép kín, có hệ thống sưởi ấm, làm mát và cho ăn tự động. Do nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, thực hiện nghiêm ngặt tiêm vắc-xin định kỳ nên đàn gà trong trang trại của bà luôn có sức đề kháng tốt, phát triển đều, khỏe mạnh; sau 45 ngày nuôi có thể xuất chuồng, mỗi lứa xuất 45 - 47 tấn thịt gà thương phẩm. Không chỉ chăn nuôi gà trắng, bà Thuận còn nuôi 60 con bò, thử nghiệm 500 con gà sao và thả ao 11.000 con cá trê lai. Tận dụng chất thải của gia súc, gia cầm, bà dùng để làm phân bón cây trên vườn gồm chuối tiêu hồng, gấc, bưởi, ổi và cỏ voi dùng làm thức ăn cho bò, cá. Xây dựng mô hình trang trại tổng hợp không chỉ nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã với mức thu nhập ổn định 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Lại Hữu Miễn (chồng bà Thuận) cho biết: Là cán bộ về hưu, chúng tôi muốn góp một phần sức lực để xây dựng quê nhà. Chăn nuôi theo mô hình trang trại không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà chúng tôi còn mong giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà con làng xóm cùng phát triển kinh tế.

Cũng chăn nuôi, sản xuất trên đất chuyển đổi, với tổng diện tích 1,2 mẫu, anh Nguyễn Văn Quang quyết định đào ao thả cá và làm vườn. Trong diện tích 5 sào ao, anh thả cá thịt truyền thống như trắm, chép, trôi, mè, mỗi năm nuôi thả 2 lứa cho thu hoạch hàng tấn cá thịt, thu về hàng chục triệu đồng.  Xung quanh ao, anh dựng giàn trồng dưa chuột, bí đao, xen canh khoai tây và rau màu khác. Anh Quang chia sẻ: Dưa chuột đang vào đợt cuối vụ thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong dưa chuột, tôi tiến hành trồng xen canh rau màu, khoai tây. Từ khi chuyển đổi, giá trị chăn nuôi và trồng cây màu đem lại cao gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa, kinh tế gia đình tôi khá hẳn lên, có điều kiện lo cho các cháu ăn học. Sắp tới, thay vì trồng cây màu, tôi chuyển sang xây dựng chuồng nuôi  lợn, gà theo mô hình trang trại sạch để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Trọng Quan cho biết: Chăn nuôi trang trại, gia trại được các hộ gia đình duy trì, phát triển khá mạnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thị trường không ổn định, giá thức ăn tương đối cao vẫn còn là nỗi trăn trở đối với bà con nông dân cũng như cấp chính quyền. Ðể giúp bà con nông dân tiếp tục phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, Trọng Quan luôn tạo điều kiện về đất đai, tập trung quy hoạch, tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính để bà con nông dân vay vốn các tổ chức tín dụng, các công ty về địa phương thu mua sản phẩm được thuận lợi.

Hà Chuyên

  • Từ khóa