Thứ 2, 20/05/2024, 19:58[GMT+7]

Khi nông dân được học nghề mình mong muốn

Thứ 5, 02/10/2014 | 14:29:28
1,009 lượt xem
Sau mỗi lớp học nghề ngắn hạn, giờ đây, nhiều nông dân huyện Vũ Thư có thể làm chủ quá trình sản xuất của mình một cách hiệu quả và tìm được việc làm phù hợp. Ðó là kết quả đáng ghi nhận từ việc chuyển hình thức đào tạo nghề cho nông dân theo hướng dạy những nghề nông dân cần.

Một lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn ở Vũ Thư.

Tại lớp học dạy nghề sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp cho nông dân các xã Tự Tân, Tam Quang, Nguyên Xá, không khí học tập lúc nào cũng sôi nổi bởi sự trao đổi cởi mở giữa thầy và trò. Các máy nông nghiệp như máy cày các cỡ, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hoàn, máy cấy bày la liệt trên sân. Mọi người cùng đặt câu hỏi với những “căn bệnh” hỏng hóc thường xảy ra và thầy giáo trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật “bắt bệnh” cũng như việc tiến hành sửa chữa từng bước như thế nào. “Thay vì những giáo án cố định với những kiến thức lý thuyết mang tính hàn lâm về cơ khí, máy móc, giáo viên và học viên cùng nghiên cứu và thực hành những điều nông dân cần. Mỗi tiết học là một chuyên đề để mọi người cùng thảo luận và áp dụng ngay vào thực tiễn. Cách học này rất phù hợp với trình độ nhận thức và được nông dân tiếp thu tốt” - ông Vũ Quang Du, giáo viên cơ khí của Trung tâm Dạy nghề Vũ Thư khẳng định.

Phần lớn nông dân khi sử dụng máy móc nông nghiệp chỉ được đại lý bán máy hướng dẫn qua loa việc vận hành. Chính vì vậy, quá trình sử dụng không tránh khỏi những thao tác sai dẫn đến hỏng hóc hoặc làm cho máy nhanh xuống cấp. Khi máy bị hỏng thì họ lúng túng không biết sửa chữa. Những lỗi hỏng thông thường cũng phụ thuộc vào thợ máy của đại lý. Ðiều này làm mất thời gian chờ đợi, lỡ thời cơ sản xuất và tốn kém tiền bạc. Sau hơn 2 tháng được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về cấu tạo máy, nguyên tắc vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ, nông dân có thể yên tâm khi sử dụng máy nông nghiệp, hạn chế hỏng hóc và có thể tự sửa chữa được. Ông Bùi Văn Chuyên (thôn Tân Hòa, xã Nguyên Xá) chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ biết mang máy ra đồng để làm, không biết bảo dưỡng sau mỗi vụ nên máy gặt, máy cày thường xuyên bị hỏng. Giờ có kiến thức rồi, máy chạy êm ru, ít khi bị hỏng. Với những hỏng hóc thông thường phần cơ, tôi có thể tự sửa và thay thế được, đỡ tốn kém và chủ động trong công việc đồng áng, mùa màng.

Với nhiều nông dân, việc được học nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp không chỉ giúp quá trình khai thác máy đạt được hiệu quả tối đa mà một số nông dân còn trở thành những thợ giỏi, mở được cửa hàng chuyên sửa máy nông nghiệp ngay tại địa phương. Ðến nay, Vũ Thư đã có hơn 400 nông dân được đào tạo nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp.

Thực hiện đề án dạy nghề cho nông dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Vũ Thư đang triển khai dạy một số nghề như: máy may công nghiệp, thêu ren thủ công, chăn nuôi thú y, cơ khí và chế tạo máy. Sau 4 năm triển khai đề án, hơn 2.000 nông dân được học nghề. Theo bà Vũ Thị Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Vũ Thư, với chủ trương dạy những nghề nông dân cần và phù hợp với điều kiện quy hoạch phát triển kinh tế của mỗi địa phương, sau khi được đào tạo nghề, rất nhiều nông dân đã phát huy kiến thức học được để làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động ngay tại chỗ. Riêng với lớp dạy nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp và chăn nuôi thú y, bà Vân khẳng định: Bà con nông dân sau khi học các lớp dạy nghề ngắn hạn tại địa phương theo cách đào tạo những gì nông dân cần, ai cũng có thể vận dụng kiến thức tốt vào công việc nông nghiệp như xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hay sử dụng các máy nông nghiệp thành thạo. Chẳng những thế, nhiều bà con còn chuyển nghề làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi, dịch vụ thuốc thú y hoặc mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp ngay tại nhà, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Còn ông Nguyễn Ðức Hải, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và xã hội Vũ Thư cho biết, đào tạo nghề cho nông dân không những giúp các địa phương đạt tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo mà còn góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân, cơ cấu lại lao động nông thôn và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tập trung rà soát, lập danh sách nông dân có nhu cầu học nghề và phân loại ngành, nghề để mở lớp đào tạo. Với khoảng gần 3.000 lao động chưa qua đào tạo nghề, từ nay đến năm 2020, Vũ Thư sẽ huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ để dạy nghề cho nông dân.

Tuy nhiên, không chạy theo chỉ tiêu số nông dân qua đào tạo nghề, Vũ Thư đang tập trung đào tạo những kiến thức, những nghề nông dân cần để phục vụ sản xuất và tự tạo việc làm. Với định hướng đúng đắn đó, chương trình đào tạo nghề cho nông dân ở Vũ Thư đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tái cơ cấu lao động ở nông thôn và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ðây là điều đáng ghi nhận sau mỗi lớp dạy nghề theo chủ trương: nông dân cần gì được học đó.

Khắc Duẩn

(Ðài Truyền thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa