Thứ 2, 20/05/2024, 21:54[GMT+7]

Tập trung hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai

Thứ 6, 03/10/2014 | 07:47:26
1,170 lượt xem
Hoàn thiện hệ thống thông tin, quản trị tốt về đất đai… là định hướng mà Thái Bình quyết tâm thực hiện, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ quản lý đất đai theo cơ sở dữ liệu địa chính hiện đại.

Cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là điều kiện cần cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, đất đai lại có nguồn gốc đa dạng trong khi chính sách về đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ nên công tác quản lý nhà nước về đất đai còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai vẫn diễn biến phức tạp. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do lâu nay hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính chưa đầy đủ, độ chính xác không cao. Là một trong 9 tỉnh, thành phố triển khai Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) từ năm 2009, Thái Bình kỳ vọng Dự án sẽ giúp sớm hoàn thành việc đo bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất và tổ chức lại toàn bộ hệ thống quản lý đất đai điện tử. Sau hơn 5 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã có 150 xã, phường, thị trấn của thành phố Thái Bình và 4 huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Tiền Hải tham gia 25 hợp đồng dịch vụ kỹ thuật. Ngay sau khi được chọn triển khai thực hiện Dự án, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, kiện toàn tổ chức Ban quản lý dự án cấp  tỉnh trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

 Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đã bố trí cán bộ phụ trách các công tác chuyên môn; thành lập tổ hỗ trợ kỹ thuật, nhóm hỗ trợ thực hiện dự án cấp huyện nhằm phối hợp tổ chức triển khai các nội dung liên quan đến Dự án. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công đối với các nhà thầu; phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách từng huyện, cán bộ trong Ban quản lý phụ trách từng gói thầu cụ thể. Ông Trần Duy Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sau khi hoàn thành Dự án, với hệ thống quản lý đất đai hiện đại sẽ giúp người sử dụng đất được tiếp cận một cách thuận lợi nhất những thông tin đất đai, quyền lợi của người sử dụng đất cũng được bảo vệ tốt hơn. Đồng thời, giúp cơ quan chuyên trách quản lý chặt chẽ, có định hướng quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý và hiệu quả. Hiện, các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ và thành phố Thái Bình đã hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính với tổng diện tích 47.348ha, cấp 260.228 GCN, trao cho người sử dụng 177.625 GCN quyền sử dụng đất. Huyện Tiền Hải đã hoàn thành nghiệm thu ngoại biên, đang rà soát, sửa chữa bản đồ và lập hồ sơ kê khai đăng ký cấp GCN. Huyện Vũ Thư cơ bản hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Theo Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kiến Xương Hà Thị Phước, việc được chọn là một trong hai huyện và thành phố tham gia thực hiện Dự án ngay từ năm 2009 đã góp phần giúp Kiến Xương khắc phục những hạn chế trong công tác đo đạc, xác minh chủ quyền đất cho người dân, giảm bớt tình trạng tranh chấp, nhất là tranh chấp về ranh giới thửa đất. Đồng thời, giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư, thâm canh tăng năng suất trên thửa đất mình đang sử dụng. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương coi công tác cấp GCN quyền sử dụng đất là nhiệm vụ trọng tâm trong những năm qua; thành lập hội đồng xét duyệt; tổ công tác cấp GCN tại 100% các xã, thị trấn; mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đồng chí chủ tịch, cán bộ địa chính, tư pháp xã, thành viên tổ công tác. Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính với tổng diện tích 20.189,6ha; in, trình ký 115.297 GCN, vượt 30% so với kế hoạch; tổ chức trao cho người sử dụng đất gần 77.200 GCN. Hiện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đang tập trung thẩm tra, xác nhận, chuyển thông tin sang Chi cục Thuế; vận động người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất ở để sớm trao GCN cho người sử dụng đất; hoàn thiện hồ sơ cấp GCN để kết thúc Dự án theo đúng kế hoạch.

Để đến hết năm 2015 có 100% các xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính theo tiêu chuẩn hiện đại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung tổ chức đấu thầu gói thầu chuẩn hóa bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính khu vực dân cư tại các huyện Thái Thụy, Đông Hưng, Hưng Hà; khi đó toàn tỉnh sẽ chỉ có một cơ sở dữ liệu duy nhất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh. Cán bộ địa chính cấp xã, cán bộ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tỉnh sẽ truy cập trực tiếp; đồng thời trên cơ sở dữ liệu này để tác nghiệp hàng ngày và cập nhật, chỉnh lý có biến động theo phân quyền, góp phần tăng hiệu quả quản lý của Nhà nước; đồng thời người dân được phục vụ tốt hơn, tiếp cận thông tin đất đai dễ dàng hơn và giảm thời gian giải quyết.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa