Thứ 3, 21/05/2024, 00:06[GMT+7]

Bảo vệ quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp

Thứ 5, 09/10/2014 | 08:24:28
936 lượt xem
Sự việc ở Ðiệp Nông đã để lại nhiều bài học cho sản xuất nông nghiệp, đó là sự sâu sát với cơ sở của lãnh đạo địa phương, tuyên truyền vận động kịp thời trong sản xuất nông nghiệp, việc giữ chữ tín và tạo thương hiệu của địa phương trên thị trường thông qua các đối tác, từ đó góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế địa phương, hoàn thành và củng cố những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) tuyên truyền, vận động nông dân bảo vệ sản xuất.

 

Xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) được phù sa của sông Luộc bồi đắp nên đất đai màu mỡ, thuận lợi cho  sản xuất trồng trọt, nhất là mở rộng diện tích cây màu.

 

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Ðiệp Nông diễn ra mạnh mẽ, trong đó tập trung vào những cây màu có năng suất, giá trị cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân như dưa, bí, ớt, lạc… Tuy nhiên,  người nông dân gặp không ít khó khăn do đầu tư chưa đồng bộ, nhiều hộ vẫn sản xuất tự phát, sản phẩm tiêu thụ nhỏ lẻ và chịu nhiều sức ép của tư thương nên nhiều lần lâm vào cảnh được mùa mất giá.

 

Ðể tháo gỡ những khó khăn này, UBND xã đã chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) chủ động tìm kiếm và ký kết hợp đồng với những đơn vị uy tín để đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ sản xuất khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa HTX DVNN với các công ty tiêu thụ sản phẩm đã tạo sự tin tưởng phấn khởi, giúp bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất. Ðây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp Ðiệp Nông là một trong những xã đi đầu mở rộng diện tích cây màu của huyện Hưng Hà.

 

Vụ đông năm 2013, Ðiệp Nông trồng 500,5ha cây màu, chiếm 80% diện tích canh tác, với những cây trồng thế mạnh như đậu tương rau 310ha, ngô 140ha, rau màu 35ha, ngoài ra còn phát triển thêm các loại cây khác như ớt, khoai tây… Sản phẩm của người nông dân làm ra hầu hết được các công ty tiêu thụ thông qua các hợp đồng được ký kết từ đầu vụ như: Công ty xuất nhập khẩu Nguyễn Ðức Cường 21,5ha ớt; Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình 25ha lạc giống; Công ty Hải Hậu 11,2ha dưa chuột… Riêng cây đậu tương rau xuất khẩu, là vụ đầu được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao đưa vào trồng thử nghiệm 20ha trên đồng đất Ðiệp Nông. Ðể bà con nông dân yên tâm sản xuất, Công ty đã hỗ trợ giống cho người nông dân với giá 240.000 đồng/sào, giá thu mua sản phẩm 6.000 đồng/kg. Trồng cây đậu tương rau xuất khẩu là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp góp phần đáng kể tăng thu nhập cho người nông dân.

 

Vụ xuân năm 2014, HTX DVNN xã Ðiệp Nông đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao trồng 15ha đậu tương rau xuất khẩu. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, cây đậu tương rau kém phát triển, HTX đã đề nghị Công ty hỗ trợ 100% giá giống với mức 480.000 đồng/sào, hỗ trợ giá thu mua từ 6.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg. Cuối vụ, 37,8 tấn đậu tương rau của bà con nông dân được Công ty bao tiêu toàn bộ. Với sự hợp tác nhiệt tình, phong cách kinh doanh chuyên nghiệp của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao đã tạo niềm tin cho người nông dân và HTX DVNN khi lựa chọn ký hợp đồng sản xuất.

 

Vụ hè thu năm 2014, Công ty tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm 15ha ngô ngọt tại 5 thôn từ Việt Yên 1 đến Việt Yên 5. Ðể bảo đảm diện tích ngô ngọt phát triển tốt, chất lượng cao,  UBND xã đã chỉ đạo HTX DVNN làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Nhờ thực hiện tốt kỹ thuật canh tác, diện tích ngô ngọt ở Ðiệp Nông phát triển tốt, bắp to, chuẩn bị cho thu hoạch, năng suất ước đạt 5 - 6 tạ/sào, sản lượng từ 150 - 160 tấn, hứa hẹn mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho bà con  nông dân. Tuy nhiên, khi ngô ngọt chuẩn bị cho thu hoạch thì một số tư thương đến liên hệ mua với giá 5.000 đồng/kg nhưng chỉ mua những bắp to, bắp chọn; một số hộ nông dân không ý thức được lợi ích lâu dài đã bẻ ngô bán lẻ cho tư thương. Trước thực tế này, UBND xã cùng HTX DVNN đã họp khẩn, đề ra các phương án bảo vệ sản xuất, giữ vững hợp đồng đã ký kết với đối tác. Ông Trần Duy Mạc, Chủ tịch UBND xã Ðiệp Nông cho biết: Cán bộ HTX DVNN cùng các trưởng thôn liên tục bám sát ruộng đồng, tuyên truyền vận động thông qua hệ thống loa truyền thanh và các buổi họp thôn để người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, giữ vững hợp đồng với đối tác; tất cả diện tích ngô ngọt trồng trên diện tích của 5 thôn chỉ được thu hoạch khi đối tác yêu cầu thu mua.

 

Sự chủ động, nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị xã Ðiệp Nông trong việc bảo vệ sản xuất không chỉ bảo đảm mục tiêu đề ra mà còn tạo uy tín của địa phương với doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất. Hiện nay, rất nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào sản xuất vụ đông theo hướng hàng hóa. Sự việc ở Ðiệp Nông đã để lại nhiều bài học cho sản xuất nông nghiệp, đó là sự sâu sát với cơ sở của lãnh đạo địa phương, tuyên truyền vận động kịp thời trong sản xuất nông nghiệp, việc giữ chữ tín và tạo thương hiệu của địa phương trên thị trường thông qua các đối tác, từ đó góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế địa phương, hoàn thành và củng cố những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa