Thứ 2, 20/05/2024, 22:48[GMT+7]

An Thanh Mở rộng diện tích cây màu vụ đông

Chủ nhật, 12/10/2014 | 15:56:02
1,055 lượt xem
Vụ đông năm 2014, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) phấn đấu gieo trồng 90ha, chủ yếu là bí xanh, bí đỏ, ngô, dưa chuột, rau màu các loại… Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm UBND xã chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) chủ động gắn kết mùa vụ để tạo quỹ đất mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm.

Nông dân chăm sóc cây vụ đông.

Xác định thủy lợi có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ đông nói riêng, xã kiến nghị, đề xuất và được UBND huyện đầu tư 500 triệu đồng xây dựng trạm bơm Ba Mô phục vụ tưới, tiêu cho cánh đồng 70ha của xã. Để khuyến khích mở rộng diện tích cây vụ đông, huyện Quỳnh Phụ hỗ trợ các giống ngô ngọt, bí đỏ, bí xanh, thuốc diệt chuột cho HTX đánh đồng loạt. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ tiền làm thêm giờ cho bí thư chi bộ, trưởng thôn hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông được giao với số tiền cho thôn loại 1 là 700.000 đồng, thôn loại 2 là 600.000 đồng và thôn loại 3 là 500.000 đồng. Để khuyến khích nhân dân sản xuất cây vụ đông, HTX DVNN xã An Thanh còn hỗ trợ thêm cho mỗi hộ nông dân trồng dưa chuột bao tử với mức 200.000 đồng/sào, hỗ trợ tiền điện phục vụ sản xuất, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật…

Đầu ra cho sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng để người nông dân gắn bó và mở rộng diện tích cây vụ đông tại địa phương. Nhận thức được vấn đề này, lãnh đạo UBND xã và HTX DVNN đã chủ động tìm đối tác, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm còn đầu tư giống, tập huấn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân như: Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương, Công ty Chế biến nông sản Hội Vũ (Hà Nam)… Vụ đông năm 2013, An Thanh đã có những đột phá đáng ghi nhận trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng diện tích cây màu. 1ha dưa chuột bao tử xuất khẩu do Công ty Chế biến nông sản Hội Vũ đưa vào trồng thử nghiệm đã cho những tín hiệu lạc quan. Đầu tháng 10, dưa chuột bao tử được đưa vào trồng và cho thu hoạch vào giữa tháng 11, nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật có thể trồng 3 - 4 vụ/năm, đạt năng suất từ 1,5 - 2 tấn quả/sào, thu nhập trung bình đạt từ 6 - 7 triệu đồng/sào/vụ. Cây dưa chuột bao tử ngay từ vụ đầu trồng thử nghiệm đã cải thiện đáng kể thu nhập cho bà con nông dân. Cây bí xanh với đặc điểm thời gian sinh trưởng ngắn, tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp cũng được phát triển trong những vụ đông gần đây trên đồng đất An Thanh. Vụ đông năm 2013, xã gieo trồng 20ha bí xanh, do hợp thổ nhưỡng cây cho quả đều, đẹp, năng suất trung bình đạt 1 - 1,2 tấn/sào, mỗi sào cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng. Nhiều hộ nông dân đã chọn bí xanh là cây trồng chính trong vụ đông của gia đình mình (tại thôn Minh Đức, gia đình ông Nguyễn Văn Luyến trồng 7 sào, ông Nguyễn Văn Mậu trồng 8 sào…) Bước vào vụ đông năm 2014, An Thanh phấn đấu trồng 30ha bí xanh, bí đỏ, 15ha ngô ngọt, 4 - 5ha dưa chuột bao tử, ngoài ra còn phát triển các loại cây khác như cây dưa chuột truyền thống, khoai tây, khoai lang, ớt, rau màu các loại… Đến nay, toàn xã đã trồng được 15ha bí xanh, 4ha dưa chuột, xuống giống 15ha ngô ngọt. Ông Đoàn Thanh Xuyên, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Với điều kiện thời tiết như hiện nay, An Thanh phấn đấu đến giữa tháng 10 sẽ hoàn thành thu hoạch lúa mùa để trồng 30ha bí xanh, bí đỏ và các loại cây vụ đông khác. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích cây vụ đông, An Thanh cần tháo gỡ một số tồn tại; cụ thể, 13ha đất sản xuất tại cánh đồng vùng Rí (thôn Minh Đức) với chất đất rất tốt nhưng lại không có nước tưới do hệ thống thủy lợi của xã chưa đáp ứng được; 50 hộ sản xuất tại cánh đồng này phải gánh nước từ nơi xa về tưới hoặc tự đào giếng khoan ngay tại ruộng nhà mình phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Mậu (thôn Minh Đức) tâm sự: Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do thiếu nước tưới, việc đầu tư giếng khoan vừa tốn kém vừa không bảo đảm nhưng không còn cách nào khác. Đề nghị chính quyền các cấp sớm có chính sách hỗ trợ xây dựng trạm bơm để nhân dân yên tâm sản xuất.

Theo tính toán của ông Đoàn Thanh Xuyên, Chủ nhiệm HTX DVNN, hiện nay An Thanh có 20km đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa, chưa xây dựng được điểm thu mua, bảo quản nông sản. Điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp của xã. Thiếu lao động nông nghiệp cũng là bài toán nan giải đối với An Thanh khi một lực lượng lớn lao động địa phương có xu hướng đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc trong các khu công nghiệp.

Bước vào vụ đông năm 2014, với khí thế thắng lợi từ những vụ đông trước, xã An Thanh đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu duy trì và mở rộng diện tích cây màu. Đây là bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp của xã An Thanh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đưa kinh tế địa phương phát triển vững chắc, từng bước xây dựng thành công nông thôn mới.

Trịnh Cường

  • Từ khóa