Thứ 5, 16/05/2024, 02:39[GMT+7]

Hiện đại hóa hệ thống giao thông để thu hút đầu tư

Thứ 6, 17/10/2014 | 08:22:38
1,101 lượt xem
Những năm qua, giao thông vận tải tỉnh Thái Bình đã có nhiều đổi mới, phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm góp phần làm cho diện mạo của tỉnh ngày một khang trang, hiện đại. Hiện nay, hiện đại hóa hệ thống giao thông đang là một mục tiêu quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu “Xây dựng tỉnh Thái Bình đến năm 2020 có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh xã hội”

Ảnh: ĐỨC LỢI

Thái Bình là tỉnh nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội -  Hải Phòng - Quảng Ninh, nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển kết nối với Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Nam Đình Vũ (Hải Phòng) và Nghi Sơn (Thanh Hóa); cách sân bay Hải Phòng, cảng Hải Phòng và cảng quốc gia Lạch Huyện (Hải Phòng) chỉ từ 30 - 40km. Hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều tuyến quốc lộ quan trọng đi qua đã tạo lợi thế để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh. Đến nay, Thái Bình đã hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế -  xã hội đến năm 2020, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, quy hoạch nguồn nhân lực tạo lợi thế để thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp như: Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Gia Lễ đã lấp đầy từ 85 - 95% dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Nền kinh tế của tỉnh hiện có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; giai đoạn 2001 - 2010 có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,5%; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 68% GDP.

Những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung phát triển hệ thống giao thông nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vận chuyển hàng hóa để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ là: QL.10 từ cầu Nghìn đến Tân Đệ, QL.39 từ cầu triều Dương đến cảng Diêm Điền, QL.37 từ cảng Diêm Điền đến cầu Phao Hồng Quỳnh, QL.37B từ cảng Diêm Điền đến phà Cồn Nhất với tổng chiều dài là 151km. Trong đó, có 61km đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, còn lại là đường cấp IV, V, VI đồng bằng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 28 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài gần 283km. Với những lợi thế trên, Thái Bình đã kêu gọi đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án từ đường QL.39 đi Trà Giang, đường 217 từ cầu Hiệp đến QL.10, Dự án tuyến đường bộ nối Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ (Ninh Bình), Dự án cầu Tịnh Xuyên... Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh còn vận động kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ODA, WB dưới nhiều hình thức như BT, BOT, BTO, PPP và huy động sự đóng góp từ nhân dân.

Ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông Thái Bình cho biết: Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Hiện đại hóa hệ thống giao thông tỉnh Thái Bình giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, Thái Bình sẽ dành 58.108,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án trong giai đoạn 2014 - 2020, trong đó 16.950 tỷ đồng để nâng cấp các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch được duyệt, 13.487,5 tỷ đồng đầu tư đường tỉnh và khoảng 15.000 tỷ đầu tư cho giao thông nông thôn... Đây là một mục tiêu quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, là tiền đề đẩy nhanh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đưa Thái Bình trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước…

Với những lợi thế về giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận nghiên cứu dự án và giới thiệu địa điểm đầu tư cho 135 dự án; cấp Giấy Chứng nhận đầu tư cho 93 dự án; cấp mới, gia hạn, điều chỉnh các thủ tục về đất đai cho 140 dự án. Tính đến nay, toàn tỉnh có 736 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 102.224 tỷ đồng, trong đó 445 dự án đã sản xuất, vốn đầu tư là 17.470 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 111.000 lao động. Trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh cũng đã thu hút được 4 dự án vốn FDI mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 dự án; tổng số vốn đầu tư tăng thêm là 33,4 triệu USD, trong đó có 46 dự án đã đi vào sản xuất. Ngoài ra, còn 11 dự án vốn ODA đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đã ký kết là 1.467 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 3.919 doanh nghiệp, 434 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng số vốn gần 25.000 tỷ đồng.

Hiện nay, mạng lưới giao thông của Thái Bình đang ngày một đồng bộ và hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh ngày một nhiều hơn. Trong thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, tạo bước đột phá theo hướng hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải giữa các vùng đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh và trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khuyến khích các thành phần kinh tế, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông vận tải, phân kỳ đầu tư ưu tiên các tuyến giao thông huyết mạch, có tính liên vùng trong tỉnh và trong vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với mạng lưới giao thông quốc gia.

Phạm Hưng

  • Từ khóa