Chủ nhật, 28/07/2024, 11:20[GMT+7]

Để không “vỡ” kế hoạch sản xuất vụ đông

Thứ 4, 22/10/2014 | 08:23:29
1,141 lượt xem
Sản xuất trong điều kiện khó khăn nhưng sản phẩm vụ đông bao giờ cũng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này (16/10) khi khung thời vụ gieo trồng cây vụ đông ưa ấm đã khép lại nhưng diện tích gieo trồng một số cây chủ lực chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Nông dân xã Ðồng Phú (Ðông Hưng) chăm sóc cây ngô đông.

 

Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại làm cho lúa xuân thu hoạch muộn khoảng 7 - 10 ngày so với trung bình hàng năm dẫn đến sản xuất vụ mùa năm 2014 chậm khoảng 5 - 7 ngày so với lịch thời vụ. Ðến ngày 25/9, phần lớn diện tích lúa mùa đã trỗ bông, tuy nhiên toàn tỉnh mới có hơn 800ha lúa trà sớm được thu hoạch, ngoài ra còn khá nhiều diện tích lúa trỗ muộn, do đó đã ảnh hưởng đến quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm ở các địa phương. Vụ đông năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 38.000ha trở lên. Trong đó cây ngô 7.000ha, đậu tương 5.000ha, khoai tây 4.500ha, bí các loại 4.500ha, khoai lang 3.500ha, ớt 1.500ha, còn lại là rau màu và cây khác.

 

Ðến ngày 16/10, toàn tỉnh gieo trồng được trên 22.000ha cây vụ đông ưa ấm, trong đó ngô hơn 6.700ha, ớt trên 1.000ha, đậu tương 1.480ha, dưa bí các loại 4.670ha và trên 8.100ha cây khác. Các huyện gieo trồng đạt cao là Quỳnh Phụ 5.500ha, Hưng Hà 4.200ha, Vũ Thư 2.800ha, Thái Thụy 3.000ha. Tuy vậy, so với kế hoạch đề ra, diện tích các cây trồng chủ lực phần lớn không đạt kế hoạch như đậu tương, ngô, ớt, bí...

 

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vụ đông năm nay là vụ gặp nhiều khó khăn như lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ không mặn mà với đồng ruộng, chuyển sang làm nghề khác, đi xa làm ăn… nên dẫn đến tình trạng ở nhiều vùng nông thôn “khủng hoảng” về nguồn nhân lực; thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp trong khi hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu chủ động tưới, tiêu. Ngoài ra, sự vào cuộc của một số địa phương chưa quyết liệt, việc quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại cây trồng chưa hợp lý, đặc biệt là trong ý thức của một số nông dân chưa thực sự mặn mà với sản xuất vụ đông hoặc có tham gia nhưng có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, để bảo đảm kế hoạch gieo trồng cây vụ đông khi khung thời vụ trồng cây ưa ấm đã kết thúc, các địa phương cần có những giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm khuyến khích nông dân tích cực mở rộng diện tích cây vụ đông ưa lạnh. 

 

Ông Phạm Khắc Bỉnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Hiệp Hòa (Vũ Thư) cho biết: HTX đã tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, triển khai đề án sản xuất vụ đông tới các thôn, đồng thời phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho xã viên; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã nhằm giúp nông dân tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ. Thế nhưng diện tích gieo trồng cây vụ đông cũng khó đạt được theo kế hoạch, nhất là diện tích trồng cây đậu tương. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu lao động và thời tiết bất ổn khiến người nông dân không mặn mà với cây vụ đông. Giải pháp để địa phương tăng diện tích cây vụ đông trong năm nay là HTX khuyến khích nông dân trồng cây khoai tây, bởi khoai tây dễ trồng và không đòi hỏi khắt khe về thời vụ như các giống cây ưa ấm.

 

Tuy nhiên, theo ông Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư, hiện quỹ đất trồng cây vụ đông, nhất là cây khoai tây đã được giải quyết nhưng vấn đề quyết định đến diện tích trồng lại là khâu giống. Hiện tại lượng giống khoai tây chỉ đủ đáp ứng khoảng 50 - 70% nhu cầu, trong khi giá khoai giống trên thị trường lại khá cao khiến cho người nông dân chưa mạnh dạn đầu tư gieo trồng. Nếu không chủ động được nguồn giống khoai tây, mọi cố gắng duy trì, mở rộng diện tích cây vụ đông sẽ khó thực hiện. Trước thực trạng đó, cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo và có những chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất kịp thời.

 

Vụ đông năm 2014, huyện Hưng Hà xây dựng kế hoạch gieo trồng 7.000ha trở lên, trong đó cây đậu tương trên 2.000ha, các loại bí và các loại dưa quả trên 1.100ha, ngô trên 1.700ha, khoai tây trên 400ha, khoai lang trên 600ha và các loại rau quả, đậu đỗ, rau màu, su hào, bắp cải trên 1.200ha. Theo cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông năm 2014 - 2015 của huyện, huyện sẽ hỗ trợ 10.000 đồng/kg giống khoai tây Ðức hoặc Hà Lan với tổng lượng giống 50 tấn để khuyến khích nhân dân tích cực tham gia sản xuất. Cũng như Hưng Hà, Kiến Xương có nhiều cơ chế khuyến khích bà con nông dân như hỗ trợ theo đầu cân giống khoai tây với mức 4.000 đồng/kg, đồng thời chỉ đạo các địa phương rà soát lượng khoai tây giống cần cho sản xuất, cân đối và chủ động liên hệ với các doanh nghiệp nhập khẩu giống khoai tây từ Ðức, Hà Lan... để có đủ giống phục vụ sản xuất. Ðối với nhóm rau đậu ưa lạnh, huyện chỉ đạo các địa phương tận dụng điều kiện đất đai, nhân lực, thời vụ, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng.

 

Ðể đạt được kế hoạch diện tích và giá trị thu hoạch bằng việc mở rộng tối đa diện tích cây ưa lạnh mà chủ lực là cây khoai tây và các loại rau ăn lá, ăn củ ưa lạnh trong điều kiện hiện nay, việc duy trì, đẩy mạnh cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ đông là yếu tố quan trọng giúp người nông dân vượt qua khó khăn trong sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập. Do vậy, ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân sớm, kịp thời; đồng thời cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ đông. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và các địa phương, hy vọng vụ đông 2014 sẽ giành thắng lợi cả 3 yếu tố: diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.

Ngọc Mai

 

  • Từ khóa