Thứ 2, 29/07/2024, 23:23[GMT+7]

Đông Quang - Đông Hưng Phát triển cây vụ đông 2010

Thứ 2, 01/11/2010 | 14:54:10
113 lượt xem
Những ngày cuối tháng 10, khi thời điểm thu hoạch lúa mùa vừa mới kết thúc, người dân Đông Quang (Đông Hưng) lại hối hả bước vào vụ đông với niềm vui phấn khởi bởi năng suất lúa đạt trung bình 63 tạ/ha. Là xã có nghề truyền thống, có tới trên 2000 lao động làm nghề dệt bao đay, 1.600 lao động làm tại các khu công nghiệp nên để có một vụ đông đạt cao cả về diện tích và năng suất là cả sự cố gắng, nỗ lực lớn của cán bộ và người dân nơi đây.

Đông Quang tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền từ xã đến thôn nhằm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi vụ đông là vụ sản xuất chính.

Tuy có nghề phụ phát triển, nhưng Đông Quang lại là xã có diện tích gieo trồng cây vụ đông thuộc loại khá của huyện. Hàng năm diện tích cây vụ đông ở Đông Quang thường đạt từ 70-80 ha, chiếm khoảng 30% diện tích đất canh tác. Năm 2009 Đông Quang đạt vượt chỉ tiêu đề ra do được hỗ trợ 100% giống đậu tương, đưa tổng diện tích gieo trồng đạt 83 ha, tăng so với dự kiến 8 ha, trong đó khoai tây đạt 6 ha; bí đao, súp lơ 6,5 ha; rau màu các loại 25,5 ha và cây đậu tương đạt 45 ha.

Cùng với việc thực hiện tốt về diện tích gieo trồng, HTXDVNN đã chủ động hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây vụ đông nên hiệu quả kinh tế đạt khá cao, trong đó đậu tương năng suất đạt trung bình 8tạ/ ha tương đương với 8 triệu đồng/ha; khoai tây 111,3 tạ/ha, đạt 45 triệu đồng/ha; bí đao, súp lơ đạt giá trị bình quân 40 triệu đồng/ha và khoai lang, rau màu các loại đạt 24 triệu đồng/ha. Kết quả đạt được là động lực góp phần để vụ đông năm 2010 Đông Quang phấn đấu đạt 83 ha; trong đó đậu tương, bí đao, súp lơ 30 ha, khoai tây 15 ha, rau màu các loại 38 ha.

Để đạt được mục tiêu này, Đông Quang tập trung mạnh vào công tác tuyên truyền từ xã đến thôn nhằm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi vụ đông là vụ sản xuất chính có vị trí chiến lược quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động dư thừa trong nông thôn và tăng thu nhập trong nông nghiệp.

Trên cơ sở kinh nghiệm sản xuất của từng thôn, xã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho cả cây ưa ấm và ưa lạnh. Khuyến khích, hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, tạo mọi điều kiện về kinh phí hỗ trợ các mô hình cây con giống mới có giá trị kinh tế cao làm điểm rồi nhân ra diện rộng. Tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất,  đặc biệt là các vùng sản xuất tập trung như hệ thống mương máng, nâng cấp công trình thủy lợi, hỗ trợ phân bón cho cây màu ưa ấm; điển hình như cây đậu tương, bí đao xã hỗ trợ 10kg NPK/sào, súp lơ, cà chua hỗ trợ 20kg NPK/sào.

Hàng năm, Đông Quang đều huy động người dân trồng khoai tây gửi vào kho lạnh của xã để làm giống cho vụ sau, trung bình mỗi năm có 15 tấn khoai giống giúp nông dân giảm bớt được ít nhất 150.000 đồng khoai giống/sào. Đặc biệt Đông Quang đã chủ động cho vụ đông ngay từ khi bước vào vụ mùa với việc thực hiện gieo cấy 20% lúa mùa trà sớm, (bằng 48 ha) để chuẩn bị quỹ đất cho trồng cây ưa ấm. Đến thời điểm thu hoạch lúa mùa, Đông Quang lại khuyến khích bà con gặt đến đâu gieo ngay đậu tương đến đó nên khi gặt xong thì cây đậu tương cũng gieo xong.

Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, hiện nay ở Đông Quang trung bình một hộ trồng 1,5 sào cây vụ đông, đa số các hộ đều cho rằng thu nhập cao gấp đôi so với cấy lúa. Điển hình như hộ bác Nguyễn Duy Cần, Phạm Thế Vịnh thôn Tô Hiệu hàng năm thường xuyên trồng 4-5 sào súp lơ và khoai tây, chỉ tính riêng súp lơ đã đạt thu nhập 5 triệu đồng/sào; hay bác Vũ Văn Hà, Nguyễn Văn Đề thôn Hồng Phong hàng năm duy trì trồng 5 sào cà chua Mỹ cho thu nhập 5-6 triệu đồng/sào.

Theo chân bác Nguyễn Văn Biên, cán bộ kiểm soát HTXDVNN, chúng tôi ra thăm cánh đồng Tây thôn Tô hiệu. Cánh đồng này đã thực hiện được 100% diện tích gieo trồng cây vụ đông, trong đó chủ yếu là đậu tương. Xa xa, bác Biên chỉ cho chúng tôi kia là vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Điện năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn lấy việc gieo trồng cây vụ đông để làm niềm vui cho tuổi già nên năm nào cũng duy trì trồng ít nhất là vài thước để phục vụ cho chính bản thân mình. Dừng lại bên bác Nguyễn Duy Việt, bác hồ hởi nói rằng nhà có 2 vợ chồng, vợ đi làm ở khu công nghiệp, chỉ còn 1 mình làm ruộng, nhưng đã 30 năm nay, năm nào bác cũng trồng 3 sào đậu tương, mặc dù chỉ đạt thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/vụ nhưng bác đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có này để tập trung vào chăn nuôi.

Tuy nhiên vụ đông năm 2010 này Đông Quang cũng gặp không ít khó khăn, nhất là cây khoai tây. Khi chúng tôi đến cũng là thời điểm trồng khoai tây đang đến gần. Mọi người đang tập trung chọn lọc từng củ khoai giống để phát cho nhân dân bởi do hiện tượng mất điện quá nhiều nên kho lạnh không bảo đảm được giống và đã làm hỏng 6 tấn khoai. Trước thực trạng này, Đông Quang tiếp tục vận động bà con trồng khoai tây để cung ứng giống cho vụ sau. Tăng cường trồng cây rau màu ưa lạnh để bảo đảm kế hoạch đề ra, đồng thời xã cũng mong có sự quan tâm của cấp trên trong việc hỗ trợ giống khoai tây để nhân dân trong xã có động lực gieo trồng bảo đảm cả về diện tích và năng suất.    
  

Thu Thủy

  • Từ khóa