Chủ nhật, 25/05/2025, 05:44[GMT+7]

Thái Thụy Phát triển kinh tế sinh vật cảnh

Chủ nhật, 26/10/2014 | 16:35:05
2,136 lượt xem
Sinh vật cảnh (SVC) hiện nay không chỉ là một thú chơi tao nhã được mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội hưởng ứng, ngoài việc đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, tinh thần, SVC còn trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Thái Thụy.

Hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện Thái Thụy trao đổi kinh nghiệm.

Đến nay, Hội Sinh vật cảnh huyện Thái Thụy có 38 cơ sở hội tại các xã, thị trấn với 821 hội viên, quy tụ được đông đảo các thành phần xã hội tham gia: hội viên là đảng viên có 313 người, 257 hội viên là cán bộ hưu trí, 11 hội viên nữ… Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Thái Thụy cho biết: Với lợi thế là huyện được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, người dân lao động cần cù, sáng tạo, phong trào SVC của huyện Thái Thụy ngoài việc thưởng ngoạn, thư giãn tinh thần, giáo dục nhân cách con người còn góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2014, toàn huyện có 181 hộ gia đình phát triển kinh tế SVC, với nhiều lĩnh vực đa dạng như: sản xuất ang chậu, kinh doanh cây cảnh, hoa cảnh, kinh doanh tổng hợp SVC... Nhận thức được giá trị từ phát triển kinh tế SVC mang lại, chất lượng và giá trị vườn SVC tại huyện Thái Thụy được người dân đầu tư, nâng cao hơn trước, với nhiều loại cây quý, thế đẹp, cắt tỉa công phu. Tại huyện Thái Thụy, những vườn cây cảnh có giá trị từ 100 - 200 triệu đồng là 35 vườn, giá trị từ 200 - 500 triệu đồng là 15 vườn, 10 vườn cây cảnh có giá trị 500 triệu đồng trở lên. Từ năm 2009 - 2014, huyện Thái Thụy đã thu nhập 25 tỷ 300 triệu đồng từ phát triển kinh tế SVC, trong đó riêng năm 2012, số tiền thu được từ SVC là 19 tỷ 200 triệu đồng. Từ tham gia phát triển kinh tế SVC, nhiều gia đình nông dân đã giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống vật chất cũng như tinh thần như gia đình anh Nguyễn Văn Liên, Phạm Văn Bình (xã Thái Xuyên), gia đình anh Bùi Hữu Thanh (xã Thụy Phong). Đến thăm vườn cây cảnh của bác Nguyễn Quốc Du, xóm 4, thôn Nha Xuyên, xã Thái Xuyên, vừa nhanh tay cắt tỉa cây, bác vừa tâm sự: Vườn nhà tôi hiện có gần 40 cây cảnh các loại, chủ yếu là cây sanh, tùng… có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao, từ ngày phát triển kinh tế SVC ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, tôi còn mở rộng việc giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với những người đam mê SVC tại nhiều địa phương khác. Theo bác Du, SVC là lĩnh vực phát triển kinh tế sinh thái bền vững cần được nhân rộng và phát triển.

Trong những năm qua, phong trào SVC nói chung và phát triển kinh tế SVC nói riêng của huyện Thái Thụy đã nhận được sự quan tâm của UBND huyện và các cấp, các ngành trong việc định hướng, đầu tư, phát triển. Thông qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của các xã cùng hệ thống truyền thanh của huyện và xã, các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, mở các lớp dạy nghề SVC được chú trọng như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thái Thụy liên kết với Hội Sinh vật cảnh tỉnh mở 2 lớp dạy nghề cho 96 hội viên; Hội Sinh vật cảnh xã Thái Nguyên mời giáo viên của Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình về mở lớp dạy nghề cho 45 hội viên; xã Thụy Duyên phối hợp Hội Sinh vật cảnh tỉnh tập huấn SVC gắn với xây dựng nông thôn mới cho 60 hội viên của xã. Thông qua các lớp học, hội viên SVC được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế SVC, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ngoài phát triển kinh tế của hội viên, Hội Sinh vật cảnh huyện Thái Thụy cũng có nhiều đóng góp thiết thực như động viên hội viên và nhân dân tham gia dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng phát triển SVC, triệt để tận dụng đất nhàn rỗi, kém hiệu quả trong trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh, phấn đấu tăng giá trị thu nhập gấp 3 lần so với những cây trồng thuần nông khác. Được sự quan tâm của UBND huyện, Hội Sinh vật cảnh đã mở 4 lớp tập huấn cho các xã điểm về phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Thái Thụy với nội dung “Sinh vật cảnh với nông thôn mới” do cán bộ tỉnh về hướng dẫn. Gắn phong trào phát triển kinh tế SVC với các hoạt động xã hội, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cũng được chú trọng. Hội viên SVC của huyện Thái Thụy thường xuyên tham gia tôn tạo các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ, nhà văn hóa, công trình tôn giáo, phong trào xanh hóa trường học với hơn 50 trường được hội viên SVC trồng, chăm sóc cây bóng mát, cây cảnh, góp phần giáo dục tính nhân văn, ý thức văn hóa, bảo vệ môi trường cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế SVC, hoạt động SVC của huyện Thái Thụy còn nhiều khó khăn, trong sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ của hội viên nhiều địa phương còn chưa cao, phát triển kinh tế SVC chưa tương xứng với tiềm năng tự nhiên của huyện, chưa tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia hoạt động SVC, tham gia bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các di tích văn hóa lịch sử và môi trường sinh thái.

Trịnh Cường

  • Từ khóa