Chủ nhật, 18/05/2025, 17:17[GMT+7]

Nam Hải Ða dạng ngành nghề

Thứ 2, 27/10/2014 | 09:06:00
1,501 lượt xem
Trong những năm qua, Nam Hải được đánh giá là một trong những xã phát triển đa dạng ngành nghề của huyện Tiền Hải. Từ những nghề truyền thống như dệt chiếu cói, mây tre đan, đến nay Nam Hải còn phát triển thêm một số nghề mới như chế biến thủy hải sản, may mặc, xây dựng. Nhờ việc mở rộng và phát triển đa dạng ngành nghề nên giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Nam Hải luôn tăng trưởng mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Nghề dệt chiếu cói thủ công ở thôn An Hạ, xã Nam Hải (Tiền Hải).

 

Ông Vũ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, Nam Hải có hơn 11.000 nhân khẩu với 6.000 lao động, trong đó trên 50% lao động làm nghề truyền thống. Năm 2005, hai làng nghề dệt chiếu cói và mây tre đan của xã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Thời kỳ phát triển mạnh nhất của nghề dệt chiếu cói và mây tre đan xã Nam Hải là trước những năm 90 của thế kỷ trước.

 

Thôn An Hạ có hơn 1.000 nhân khẩu với gần 600 lao động, trong đó hơn 60% lao động làm nghề dệt chiếu cói. Hiện nay, trong thôn có 1 cơ sở dệt chiếu cói công nghiệp và hơn 100 hộ làm nghề dệt chiếu cói thủ công. Ông Nguyễn Văn Tăng, người có hơn 40 năm làm nghề dệt chiếu cói chia sẻ: Sản phẩm chiếu cói thôn An Hạ có đặc điểm bền, đẹp, không thấm mồ hôi nên khi nằm rất thoáng mát, thoải mái. Chính vì vậy chiếu cói thôn An Hạ được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Nguyên liệu để làm nên những chiếc chiếu cói An Hạ chính là những sợi cói được trồng ngay trên mảnh đất quê hương. Hiện quỹ đất của địa phương dành cho việc trồng cây cói khá dồi dào nên nguyên liệu để dệt cói cung ứng hằng năm luôn bảo đảm. Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện toàn xã Nam Hải có 18ha diện tích trồng cói.

 

Ngoài nghề dệt chiếu cói thì Nam Hải còn duy trì và phát triển nghề truyền thống mây tre đan. An Tứ  là thôn tiêu biểu cho làng nghề truyền thống mây tre đan khi tập trung được gần 200 hộ với 300 lao động sản xuất. Những năm gần đây, do ổn định được thị trường tiêu thụ nên giá trị sản xuất nghề dệt chiếu cói và mây tre đan của xã Nam Hải không ngừng tăng cao. Năm 2010, giá trị sản xuất từ nghề và làng nghề chiếu cói, mây tre đan  đạt  5 tỷ đồng, đến năm 2013 con số này đã đạt trên 10 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của nghề làm chiếu cói và mây tre đan cũng tăng lên, từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng.

 

Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình ông Nguyễn Văn Ðoán, xã Nam Hải (Tiền Hải).

 

Những năm qua, cùng với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương, UBND xã Nam Hải còn phát triển thêm một số nghề mới nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có như chế biến thủy hải sản, nghề may, nghề xây dựng... Trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản phải kể đến nghề làm nước mắm. Ðược phát triển cách đây gần 10 năm, đến nay nghề làm nước mắm ở Nam Hải đã phát triển mạnh mẽ. Nước mắm Nam Hải đang trở thành thương hiệu nổi tiếng không những trong xã mà còn trên cả địa bàn toàn tỉnh.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Ðoán, thôn Nội Lang Nam, là một trong những cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất của xã, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất từ 6 - 7 vạn lít nước mắm tiêu thụ ra thị trường  trong và ngoài tỉnh, lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Sản phẩm nước mắm của gia đình ông Ðoán được cơ quan y tế huyện Tiền Hải kiểm nghiệm và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài nghề làm nước mắm thì may mặc cũng được địa phương chú trọng phát triển. Hiện nay, Namon> Hải có 3 cơ sở may công nghiệp thu hút hơn 100 lao động. Nghề may đem lại thu nhập ổn định cho người lao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của xã Nam Hải đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt gần 70 tỷ đồng, chiếm trên 34%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 19 triệu đồng/người/năm. Nhờ đẩy mạnh phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nên cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại, dịch vụ. Năm 2014, Nam Hải phấn đấu nâng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp lên trên 90 tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên nghề và làng nghề truyền thống cho thấy Nam Hải đang có những bước đi bền vững trong việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Trần Tuấn

 

 

  • Từ khóa