Thứ 5, 16/05/2024, 02:12[GMT+7]

Văn Lang Ðiểm sáng vụ đông

Thứ 3, 28/10/2014 | 08:25:40
1,166 lượt xem
Từ nhiều năm nay, Văn Lang (Hưng Hà) là xã có truyền thống mở rộng diện tích gieo trồng và có nhiều kinh nghiệm thâm canh cây vụ đông. Vụ đông ở đây không chỉ là vụ sản xuất thứ ba trong năm mà còn là một cơ hội vàng cho việc cải tạo đất, thâm canh lúa.

Nông dân thôn Mỹ Lương (xã Văn Lang, Hưng Hà) thu hoạch bí ngô vụ đông năm 2013. Ảnh: Phạm Hưng

Văn Lang liên tiếp được mùa lúa đồng thời cũng liên tiếp giành thắng lợi vụ đông. Trước khi bước vào thời vụ gieo trồng và thu mùa, Văn Lang cũng như các địa phương khác thường gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp về thời tiết và nguồn nhân lực. Thế nhưng, trong khi các nơi nông dân không mặn mà mấy với đồng ruộng thì ở Văn Lang bà con luôn trăn trở đổi mới tư duy về cách làm ngay trên từng thửa ruộng khoán của gia đình để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Vì lẽ đó nên người Văn Lang có đi đâu, làm gì nhưng khi đến thời vụ vẫn rủ nhau về bám ruộng, lội đồng. Bà con nông dân ở đây tính toán, nếu một sào trồng ngô, bí năng suất cao có thể thu vài ba triệu đồng.

Năm 2013, Văn Lang là điển hình của huyện Hưng Hà về sản xuất vụ đông với diện tích gieo trồng lên tới gần 200ha. Mỹ Lương, Vĩnh Truyền, Phú Khu, Thưởng Duyên, Thượng Ngạn 1, Thượng Ngạn 2 vẫn là những thôn đi đầu về đổi mới và thâm canh vụ đông. Thôn Mỹ Lương từ nhiều năm nay nổi tiếng về phong trào sản xuất cây bí ngô và cây bí đao. Vụ đông năm 2013, nhờ nắm bắt được thị trường, nhiều gia đình như gia đình chị Tô Thị Quyên, anh Mai Văn Đam, anh Tô Văn Căn trồng từ 7 - 8 sào, gia đình chị Tô Thị Lựu trồng tới 1 mẫu, 1 sào bí ngô và bí đao, thu nhập hàng chục triệu đồng. Vì sao Văn Lang lại có phong trào sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cao như vậy? Chủ nhiệm HTX DVNN xã cho biết: Do nắm bắt được thị trường, sản phẩm cây bí ngô, cây bí đao thực sự nhiều năm nay khá “ăn khách”. Tuy nhiên, cái khó là giá cả bấp bênh. Đầu vụ thu hoạch, thương lái mua với giá 5.000 đồng/kg, sau rút xuống 3.000 đồng và thậm chí chỉ còn 1.500 đồng/kg.

Ngay từ đầu vụ, UBND và HTX DVNN tập trung chỉ đạo tạo quỹ đất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Quỹ đất làm vụ đông ở Văn Lang chủ yếu là đất hai lúa, hầu như không có đất chuyên làm cây màu. Vậy mà, nhờ có công sức làm thủy nông, nhờ công chăm bón chuyên cần của bà con nông dân góp phần cải tạo đất và làm những con đường bê tông rộng rãi nên mùa gieo trồng và mùa thu hoạch ở đây đang thực sự là ngày hội vụ đông. Mỗi gia đình có đảng viên, gia đình cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ thực hiện chỉ tiêu trồng ít nhất từ 3 sào đến 5 sào cây vụ đông. Nhiều gia đình ít ruộng đã mượn thêm ruộng để trồng. HTX đảm nhận việc cung cấp, chọn lọc giống tốt và triển khai kịp thời khâu tưới, tiêu, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh. Chính quyền, đoàn thể khuyến khích mở rộng diện tích bằng cơ chế thi đua khen thưởng. Hội Cựu chiến binh chủ trương gia đình hội viên nào trồng 5 sào trở lên sẽ thưởng 200.000 đồng. UBND huyện thưởng xã 7 triệu đồng và cho thôn Mỹ Lương 5 triệu đồng đối với danh hiệu làm vụ đông giỏi năm 2013 là một sự động viên kịp thời và rất xứng đáng.

Kinh nghiệm mở rộng diện tích và chăm sóc cây vụ đông của một xã nội đồng như Văn Lang qua nhiều năm nay đối với cây ngô, cây bí đao, bí ngô thường là thực hiện thâm canh ngay từ khi hạt còn ngủ ở trong bầu. Khi lúa mùa sớm bắt đầu chín, bà con xã viên bảo nhau rẫy sạch cỏ trên các bờ ruộng, bờ mương máng, lấy bùn trộn với phân chuồng hoai mục, phân NPK gieo hạt giống, chờ cho hạt nảy mầm có từ 3 - 5 lá thật, cắt lúa xong đem bầu ra đặt lên mặt luống rồi dùng đất khô, đất tơi xốp mang từ trong vườn ra vun bầu để tránh khỏi bị ngập nước, gây thối rễ. Riêng với cây đậu, đỗ tương, muốn trồng được nhiều diện tích, bà con xã viên chỉ cần vạch gốc rạ, bỏ hạt trước rồi mới gom luống chăm bón sau. Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết thêm: Muốn đạt năng suất cao đối với nhóm cây trồng ưa ấm này, cùng với việc chăm sóc thì điều quan trọng nhất là phải phòng, chống được sâu đục thân, bệnh lở cổ rễ ở cây đỗ tương, bệnh vàng lụi cho cây bí ngô và cây bí đao trước, trong khi ra hoa, kết quả. Cùng với kỹ thuật thâm canh còn phải chú ý nắm bắt thị trường, liên kết chế biến sản phẩm đưa vụ đông chuyển sang sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng và cho xuất khẩu.

Phan Đức Chính

(Văn Lang, Hưng Hà)

  • Từ khóa