Thứ 5, 16/05/2024, 03:08[GMT+7]

Góp sức tăng năng suất, chất lượng cây trồng

Thứ 5, 30/10/2014 | 08:28:26
1,066 lượt xem
Những năm qua, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng các mô hình khảo nghiệm các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh.

Tham quan mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy tại xã Thái Hưng (Thái Thụy).

Với sự góp sức, đồng hành cùng nông dân của Trung tâm, các địa phương trong tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước xây dựng thành công cánh đồng mẫu.

Cánh đồng xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải một ngày đầu tháng 10 tấp nập cán bộ, nông dân trong xã và các địa phương lân cận đến thăm mô hình cấy giống lúa Nam ưu 209. Đây là mô hình do Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư kết hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đưa vào cấy thử nghiệm sau khi đã nghiên cứu kỹ đồng đất của xã Tây Ninh. Mô hình được thực hiện với quy mô 1ha trên chân đất vàn, tầng canh tác dày, đất ngọt. Giống lúa Nam ưu 209 có thời gian sinh trưởng ngắn (105 ngày). Tại vụ mùa năm 2014, giống Nam ưu 209 có chiều cao cây từ 115 - 120cm, lá đòng đứng bền và không có biểu hiện bị nhiễm bệnh bạc lá, đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông; khả năng đẻ nhánh khỏe, số bông/khóm rất cao (307,2 bông/khóm); năng suất lúa trong mô hình ước đạt 62,5 tạ/ha. Tham gia thực hiện mô hình, nông dân được cán bộ nông nghiệp về tận nơi hướng dẫn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Đây có thể nói là giống lúa tốt, sinh trưởng ngắn ngày, chăm sóc không phức tạp và cho năng suất cao, thích hợp với đồng đất Tây Ninh. Hy vọng mô hình sẽ được mở rộng để góp phần mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Vụ mùa năm 2014, từ sự chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trung tâm, Trạm Khuyến nông huyện Thái Thụy đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp xây dựng mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy với giống lúa RVT tại khu cánh đồng mẫu của xã Thái Hưng (Thái Thụy) với quy mô 6ha. Qua thực tế cho thấy, với phương pháp gieo mạ khay, cấy bằng máy, thời gian sinh trưởng của cây lúa rút ngắn hơn phương thức gieo cấy truyền thống 12 ngày. Chiều cao cây lúa của mô hình cấy bằng máy cao hơn diện tích lúa đối chứng, khả năng chống đổ tốt hơn. Đặc biệt, cây lúa ít bị ảnh hưởng của bệnh bạc lá và khô vằn. Năng suất lúa thực thu của mô hình cao hơn so với diện tích lúa đối chứng khoảng 8%, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên 8,2 triệu đồng/ha, ngoài ra còn giải quyết được vấn đề thời vụ và lao động nông nghiệp hiện nay. Là huyện hàng năm có diện tích gieo cấy trên 26.000ha lúa, những năm gần đây Thái Thụy đã áp dụng các tiến bộ trong sản xuất lúa và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa; làm đất bằng máy công suất lớn; sử dụng giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, đã góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa của huyện lên hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều mô hình đạt hiệu quả cao của hệ thống khuyến nông Thái Bình đã triển khai trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư, hàng năm Trung tâm phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học tiến hành khảo nghiệm hàng trăm giống lúa các loại. Qua đó chọn lọc, đưa vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao như Bắc thơm 7, Nam dương 99… Bên cạnh đó, Trung tâm còn khảo nghiệm, đề xuất nhiều giống cây màu có năng suất, chất lượng tốt vào gieo trồng. Điển hình như giống khoai tây Hồng Hà 2, Hồng Hà 7 trồng bằng hạt cho hiệu quả kinh tế cao; các giống khoai lang có thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng ngon như MYD, khoai lang Nhật; các giống hoa cao cấp như Tuylip, Hồng môn… Hiệu quả từ việc đưa các giống lúa, giống cây màu chất lượng cao vào gieo trồng đã góp phần đưa năng suất lúa của tỉnh từ 50,1 tạ/ha vụ mùa năm 2001 lên 58,7 tạ/ha vụ mùa năm 2013, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ đông, tăng diện tích cây màu hè và tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân. Cùng với các tiến bộ kỹ thuật về khảo nghiệm, tuyển chọn giống mới, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ứng dụng, chuyển giao các giải pháp canh tác như gieo mạ nền đất cứng, mạ nộm, mạ khay… Đặc biệt, với phương pháp gieo sạ, gieo thẳng bằng công cụ cải tiến, chỉ trong vòng 3 năm diện tích gieo thẳng trong toàn tỉnh đã đạt gần 40.000 ha/năm. Giải pháp này đã giải quyết được vấn đề thời vụ căng thẳng, đồng thời tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm do giảm được công cấy, công nhổ mạ, chi phí nilon che phủ.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tiếp tục đổi mới hoạt động, cùng với các cấp, các ngành thực hiện tốt mục tiêu phát triển sản xuất, từng bước tổ chức hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng liên kết sản xuất gắn với thị trường, đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ và thân thiện với môi trường, góp sức phục vụ kịp thời và hiệu quả sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Ngọc Mai

  • Từ khóa