Thứ 6, 02/08/2024, 21:20[GMT+7]

Nam Cao Phát triển chăn nuôi trên vùng chuyển đổi

Thứ 5, 30/10/2014 | 08:36:12
1,365 lượt xem
Trong những năm gần đây, xã Nam Cao (Kiến Xương) tích cực chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thuê đất, đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khu chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh, thôn Nam Đường Tây, xã Nam Cao (Kiến Xương)

Trước đây, ngoài trồng trọt, thu nhập của người dân Nam Cao phụ thuộc vào nghề dệt tơ đũi, nghề này đã mang lại cuộc sống ấm no và ổn định cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, do tác động của thị trường, sản phẩm từ nghề dệt tơ đũi tiêu thụ rất chậm, thu nhập của người làm nghề khó khăn và bấp bênh, một số hộ dân đã chuyển sang phát triển chăn nuôi. Ông  Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Cao cho biết: Từ năm 2010, chăn nuôi hộ gia đình của Nam Cao phát triển mạnh, trở thành một trong những xã đi đầu về phát triển chăn nuôi của huyện. Hiện tại, tổng đàn lợn của xã đạt 9.000 con, gia cầm trên 22.000 con; toàn xã có 520 hộ nuôi lợn từ 15 - 30 con; 172 hộ chăn nuôi từ 30 con lợn trở lên, kết hợp với nuôi gia cầm và cá các loại. Thu nhập từ chăn nuôi đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, thôn Nam Đường Tây là một trong những người tiên phong thuê lại những mảnh ruộng canh tác kém hiệu quả  để phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Trên mảnh ruộng hơn 7 mẫu thuê của xã từ đầu năm 2014, hiện nay anh đang kết hợp nuôi thả gà, ngan, vịt và cấy lúa; tuy mới thực hiện được vài tháng song gà, vịt đã sinh trưởng và phát triển tốt. Những ngày mới nhận ruộng, cỏ dại ở đây mọc cao bằng đầu người, anh đã phải dùng máy gặt để cắt cỏ, máy xúc để đào mương xung quanh mới có được mô hình chăn nuôi như ngày nay. Ở giữa ruộng anh vẫn cấy lúa và kết hợp nuôi cá dưới chân ruộng và thả gà ta, xung quanh đào mương to để nuôi thả ngan, vịt. Khi vịt còn nhỏ anh cho ở trên ruộng tận dụng cho vịt ăn côn trùng ở cây lúa, khi vịt lớn thì cho ra mương xung quanh ruộng. Hiện tại, anh đang nuôi 1.000 con vịt,  500 con gà và tiếp tục thả tái đàn. Gà, vịt  nhà anh do được nuôi thả trên ruộng nên chất lượng thịt ngon, nhiều thương lái gần xa tìm đến đặt mua. Anh đang tiếp tục quy hoạch khu chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, trồng 400 gốc hòe và 300 gốc thanh long ở xung quanh ao, ruộng và nuôi cá dưới chân ruộng lúa. Theo ước tính của anh, một năm có thể thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng từ mô hình này. Với hiệu quả ban đầu khả quan, anh Nguyễn Tuấn Anh đang tích cực đầu tư vào khu chăn nuôi theo đúng dự định để mô hình đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh và một số hộ dân mạnh dạn thuê lại những thửa ruộng canh tác kém hiệu quả để phát triển chăn nuôi tổng hợp ở xã Nam Cao đã phần nào khẳng định cách nhìn, cách nghĩ về phát triển kinh tế theo hướng mới của người dân nơi đây. Một mảnh đất bạc màu vẫn có giá trị khi ta biết sử dụng nó. Người nông dân Nam Cao vốn có bản chất cần cù chịu khó, nay cộng thêm sự mạnh dạn và lòng quyết tâm sẽ giúp họ thành công, mang lại thu nhập ổn định, cuộc sống ấm no.

Hiện tại, trên địa bàn xã Nam Cao vẫn còn một số thửa ruộng canh tác kém hiệu quả đang để hoang hóa. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: UBND xã đang tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và động viên bà con mạnh dạn thuê những mảnh đất có nguy cơ hoang hóa để chuyển đổi canh tác. Với hiệu quả từ mô hình của anh Nguyễn Tuấn Anh và một số bà con khác, đã có nhiều hộ gia đình đang tiến hành thuê đất để đầu tư phát triển trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Trong thời gian tới, những mảnh đất bạc màu có nguy cơ hoang hóa ở Nam Cao sẽ không còn nữa.

Văn Quyết

  • Từ khóa