Thứ 6, 10/05/2024, 06:22[GMT+7]

Ðông Sơn Ðẩy mạnh phát triển nghề truyền thống

Thứ 5, 06/11/2014 | 08:09:14
1,140 lượt xem
Phát huy thế mạnh của địa phương, những năm qua xã Ðông Sơn (Ðông Hưng) đã tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ðiểm nổi bật là việc duy trì, phát triển mạnh nghề may và thảm len mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Công ty Cổ phần May xuất khẩu Ðại Ðồng giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động.

 

Hiện nay, Ðông Sơn có 10.000 nhân khẩu với 5.000 lao động, trong đó có trên 70% lao động làm nghề truyền thống. Năm 2006, nghề may tại thôn Bắc và thảm len thôn Namon> được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Trên địa bàn xã có một công ty may xuất khẩu và gần 20 cơ sở may tư nhân đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động địa phương. Ðược thành lập năm 2008, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Ðại Ðồng, thôn Bắc, hiện tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Bùi Ðức Ðảng, Giám đốc Công ty cho biết: Sản phẩm chính của Công ty là áo Jacket, quần dài, áo bông…,  sản lượng hơn 1 triệu sản phẩm/năm được xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Mỹ. Năm 2013, Công ty đạt doanh thu 94 tỷ đồng và hiện đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngoài ra xã còn có gần 20 cơ sở may tư nhân nhận gia công sản phẩm quần, áo cho các công ty trong và ngoài nước cũng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ðiển hình là cơ sở may Phúc Hiển và Văn Tú (thôn Phấn Dũng) thu hút 200 lao động/cơ sở, với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nghề may hiện vẫn đang là nghề chính giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho gần 50% lao động của địa phương, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã.

 

Cũng là một trong những nghề truyền thống của xã, nghề dệt thảm len hiện đang thu hút nhiều lao động địa phương tham gia. Nghề dệt thảm len tập trung ở thôn Namon> với một cơ sở dệt thảm len bằng máy dệt công nghiệp và hơn 100 hộ làm nghề thảm len thủ công. Chị Trần Thị Anh, thôn Namon> có hơn 20 năm làm nghề dệt thảm len thủ công chia sẻ: Ở Ðông Sơn, nghề dệt thảm len đã có từ lâu; sản phẩm chủ yếu là các tấm thảm nền nhà, bàn ghế, cầu thang… Trung bình một tháng, nghề dệt thảm len mang lại cho chị Anh thu nhập khoảng 3 triệu đồng.

 

Ngoài những nghề truyền thống trên thì nghề mộc cũng được địa phương chú trọng phát triển. Ðến nay, Ðông Sơn có gần 10 xưởng mộc chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất và dân dụng như giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa. Sản phẩm từ nghề mộc của địa phương được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Nghề mộc hiện giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

6 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị sản xuất của xã Ðông Sơn đạt 208 tỷ đồng; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 97 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp -  tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nên cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại, dịch vụ. Trong thời gian tới, Ðông Sơn tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất, du nhập thêm một số nghề mới; đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa vào sử dụng đường trục giao thông liên xã; nâng cấp chợ đầu mối của xã để phát triển thương mại, dịch vụ, thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

  Trần Tuấn

 

  • Từ khóa