Thứ 7, 11/05/2024, 04:34[GMT+7]

Thụy Thanh Hiệu quả kinh tế trên vùng chuyển đổi

Chủ nhật, 09/11/2014 | 17:37:19
1,174 lượt xem
Trong những năm gần đây, Thụy Thanh được biết đến là một trong những xã đi đầu trong chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển gia trại chăn nuôi đạt hiệu quả cao của huyện Thái Thụy, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tăng thu nhập, mang lại đời sống ấm no cho người nông dân.

Một gia trại phát triển kinh tế tổng hợp hiệu quả trên vùng chuyển đổi Đồng Hộn (xã Thụy Thanh, Thái Thụy).

Ông Nguyễn Thế Tứ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thụy Thanh cho biết: Từ năm 1995, UBND xã có chủ trương chuyển đổi 30ha vùng Đồng Hộn cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo mô hình trồng lúa xen lẫn thả cá. Bao công sức, mồ hôi đổ xuống vùng Đồng Hộn, bao hoài bão, hy vọng xen lẫn lo âu của những người tiên phong đầu tư trên vùng chuyển đổi đã được đền đáp. Đến thăm gia trại của ông Nguyễn Văn Diễn, với diện tích 32.000m2, xen lẫn màu xanh của những hàng dừa, chè tươi, cây lấy gỗ là những dãy chuồng trại. Gia đình ông trước ở trong làng, đất đai chật hẹp, khó phát triển kinh tế. Năm 2003 gia đình ông xin ra vùng chuyển đổi phát triển kinh tế gia trại theo mô hình VAC. Với vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng, đến nay gia trại của ông nuôi hơn 40 con lợn, 10 con trâu, cùng 25.000m2 ao thả cá với nhiều loại cá khác nhau như trắm, trôi, chép… cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, trừ chi phí ông thu lãi hơn 150 triệu đồng.

Cũng phát triển kinh tế gia trại nhưng gia đình ông Nguyễn Đình Son lại có hướng đi khác. Ra vùng chuyển đổi từ năm 2003, với 15.000m2 diện tích, ông Son đầu tư gần 1 tỷ đồng, xây dựng 4 chuồng nuôi, phát triển đàn gia cầm với hơn 800 con vịt, 1.200 con gà thịt thương phẩm, đàn lợn thịt với hơn 50 con, cùng 10.000m2 ao thả cá. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, ông Son đã tận dụng đất trống bên bờ ao trồng 300 cây hòe, đến nay 180 cây đã cho thu hoạch với hơn 30 triệu đồng tiền hoa. Với diện tích vườn chưa sử dụng, ông dự định phát triển cây hòe giống cung cấp cho thị trường. Hiện nay, từ mô hình chăn nuôi tổng hợp, gia đình ông thu lãi 180 - 200 triệu đồng/năm.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều gia trại chăn nuôi tiêu biểu của xã Thụy Thanh. Với chủ trương đúng đắn cùng chính sách hỗ trợ phát triển vùng chuyển đổi như đầu tư xây dựng bảo đảm công tác tưới, tiêu nước, tập huấn công tác thú y, hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đã thúc đẩy các hộ phát triển kinh tế gia trại có hiệu quả. Đặc biệt, trong 2 năm 2013 - 2014, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh, 13 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, kênh mương và hệ thống điện phục vụ cho phát triển kinh tế trên vùng chuyển đổi. Theo ông Nguyễn Thế Tứ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thụy Thanh, hiện xã có 30 gia trại với trên 3.000 con lợn và trên 24.000 con gia cầm, gần 40 con trâu, bò. Các gia trại chăn nuôi tập trung đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên đã nâng cao thu nhập cho người nông dân, hạn chế  được ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh. Bên cạnh thành công, những gia trại chăn nuôi ở Thụy Thanh còn gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn phát triển sản xuất, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn cho chăn nuôi tăng cao, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Để giải quyết những khó khăn trên, địa phương cần có giải pháp, và hành động thiết thực để hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và các mô hình chăn nuôi gia trại nói riêng theo hướng bền vững, giúp người nông dân đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất.

Bảo Minh

  • Từ khóa