Thứ 6, 10/05/2024, 18:03[GMT+7]

Nguyên Xá Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 3, 11/11/2014 | 07:54:50
1,212 lượt xem
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở xã Nguyên Xá (Vũ Thư) có những chuyển biến tích cực nhờ từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, qua đó đã thay đổi tập quán của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

Nông dân xã Nguyên Xá (Vũ Thư) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Nguyên Xá cho biết: Từ năm 2009 trở về trước, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do đồng ruộng manh mún, phương thức canh tác không đồng bộ, chi phí đầu tư mua máy cao... Bên cạnh đó, trình độ của người dân trong tiếp cận, làm chủ máy móc không đồng đều; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chưa phát triển đồng bộ gây khó khăn trong việc di chuyển máy móc. Để tháo gỡ những khó khăn trên, từ năm 2009 đến nay, HTX đã đầu tư kinh phí mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp về phục vụ bà con nông dân và qua cơ chế hỗ trợ của tỉnh những năm qua bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy làm đất công suất lớn, máy gặt đập liên hợp về sản xuất.

Để khuyến khích nông dân đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất, ngoài chính sách chung của tỉnh, HTX đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn thủ tục cho các hộ nông dân có nhu cầu mua máy; tư vấn lựa chọn máy phù hợp với khả năng tài chính. Ngoài ra việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp đã khắc phục tình trạng manh mún, phân tán của đồng ruộng, đáp ứng tốt yêu cầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cũng qua việc dồn điền, đổi thửa, đòi hỏi cần thay đổi lực lượng sản xuất cho phù hợp với thực tế. Nếu như trước đây nông dân chỉ cần các máy nông nghiệp công suất nhỏ thì sau dồn điền, đổi thửa do diện tích thửa lớn cần phải đầu tư mua các loại máy cày công suất lớn, máy gặt đập liên hợp để đẩy tiến độ sản xuất, bảo đảm lịch thời vụ.

Việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã giải quyết tình trạng thiếu hụt về lao động ở nông thôn hiện nay, từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch. Cơ giới hóa đồng bộ còn góp phần giải phóng sức lao động, chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cơ giới hóa khâu làm đất sẽ nâng cao chất lượng làm đất được nhuyễn, tăng khả năng giữ nước, giữ phân bón của đất, xử lý tàn dư sâu bệnh, cỏ dại, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Trong khâu thu hoạch, máy gặt đập liên hợp thu hoạch nhanh chóng, đáp ứng được thời vụ, tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông. Đến nay, nông dân Nguyên Xá đã đầu tư mua 14 máy làm đất cỡ lớn, máy gặt đập liên hợp và hàng chục máy cày tay, đảm nhiệm 100% khâu làm đất, thu hoạch của địa phương. Trên thực tế, nếu như trước đây, để thu hoạch 2 - 4 sào lúa phải mất một buổi sáng với 5 lao động; khi sử dụng máy gặt đập liên hợp, việc thu hoạch diện tích lúa trên chỉ mất khoảng 30 phút nên chi phí giảm đi rất nhiều. Việc gặt tay và tuốt lúa mất khoảng 340.000 đồng/sào, nay sử dụng máy gặt đập liên hợp chỉ tốn 140.000 đồng/sào.

Anh Ngô Văn Lộ, thôn Ngô Xá cho biết: Hơn 2 năm nay, sau khi gia đình đầu tư máy gặt và máy cày cỡ lớn, việc sản xuất trong nông nghiệp gặp nhiều thuận lợi. Ngoài mua máy để phục vụ sản xuất cho gia đình, anh còn phục vụ cho bà con nông dân trong thôn và các địa phương khác. Trừ chi phí, mỗi vụ sản xuất, gia đình anh thu lãi 10 triệu đồng.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Nguyên Xá không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa trong sản xuất nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa