Thứ 2, 29/07/2024, 09:31[GMT+7]

Quỳnh Hải - Quỳnh Phụ "Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta "

Thứ 5, 04/11/2010 | 16:15:03
2,188 lượt xem
Người ta ví Quỳnh Hải giống như Đà Lạt của Quỳnh Phụ. Nói như vậy quả không ngoa bởi đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm chúng ta cũng bắt gặp những cánh đồng trù phú phủ màu xanh tít tắp.

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây màu vụ đông. Ảnh: Vũ Mạnh

Xen giữa hai vụ lúa là vụ màu đông, đất ở đây gần như không ngơi nghỉ chút nào. Hệ số sử dụng đất hàng năm đạt 3,9 lần, thuộc loại cao nhất huyện Quỳnh Phụ. Người dân nơi đây đã sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai để sản xuất hàng hoá góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bản thân mình.

  

Quỳnh Hải có 357ha đất canh tác, trong đó diện tích đất hai lúa chiếm 267ha. Đây là một trong những địa phương đi đầu ở Quỳnh Phụ về chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thời vụ gieo cấy. Hiện tại 100% diện tích lúa mùa hàng năm ở Quỳnh Hải đều được gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, chủ lực là các giống lúa thuần cho năng suất cao như Q5, Khâm dục, Khang dân, TBR1, BC15... Diện tích lúa chất lượng cao làm hàng hoá ngày càng được mở rộng và hiện đã chiếm 50% diện tích gieo cấy hàng năm với đa dạng các giống như Bắc thơm, Hương thơm, Thiên hương, N97, N87...

 

Việc cơ bản loại bỏ các giống lúa dài ngày ở cả hai vụ sản xuất trong năm không chỉ tạo thuận lợi cho việc luân canh tăng vụ mà còn góp phần đưa năng suất lúa trung bình lên 135 tạ/ ha. Thời vụ gieo cấy lúa mùa cũng được xã điều chỉnh theo hướng sớm hơn lịch gieo cấy chung của huyện, ở Quỳnh Hải hầu như không có trà lúa mùa đại trà như các xã khác mà chỉ có hai trà lúa là trà lúa mùa sớm và cực sớm.

 

Vì vậy đến cuối thàng 9 dương lịch, khi lúa ở nơi khác mới phân nhánh làm đòng thì toàn bộ diện tích lúa mùa ở Quỳnh Hải đã cơ bản thu hoạch xong, riêng trà cực sớm thu hoạch xong trước ngày 5/9.

  

Bên cạnh hai vụ lúa, từ lâu nông dân Quỳnh Hải đã có truyền thống phát triển cây vụ đông. Từ chỗ chỉ là vụ xen canh, đến nay vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 và là vụ sản xuất hàng hoá lớn nhất năm. Do có trình độ thâm canh cao nên nông dân Quỳnh Hải không chỉ canh tác vụ đông trên chân đất vàn và vàn cao mà ngay cả vùng đất triều gềnh thấp trũng người dân cũng gieo trồng được vụ đông.

 

Do vậy Quỳnh Hải là một trong vài xã ở Quỳnh Phụ thực hiện trồng cây vụ đông trên toàn bộ diện tích đất canh tác. Năm 2010 này Quỳnh Hải phấn đấu gieo trồng khoảng 322ha cây vụ đông trong tổng số 357ha đất canh tác. Cùng với việc mở rộng về diện tích, Quỳnh Hải còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây vụ đông theo hướng tiếp thu các cây màu cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định.

 

Qua thực tiễn canh tác kết hợp nắm bắt nhu cầu của thị trường, nông dân Quỳnh Hải đã xác định cho mình hai nhóm cây chủ lực là ớt và rau các loại. Đây là một trong những xã có diện tích ớt đông thuộc loại nhiều nhất huyện Quỳnh Phụ với diện tích lên tới trên 100 ha, ngoài một phần diện tích trồng ớt kim quả nhỏ, hầu hết các hộ chọn trồng giống ớt mới của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu so với các cây trồng khác thì ớt là loại cây đòi hỏi rất khắt khe về thời vụ nhưng đổi lại chúng cho hiệu quả kinh tế khá cao.

 

Do có truyền thống về thâm canh ớt nên năng suất ớt ở đây đạt khá cao, trung bình khoảng 8- 9 tạ quả tươi/ sào, cá biệt có năm đạt tới trên 1 tấn/ sào, với giá bán như hiện nay mỗi sào ớt cho thu nhập khoảng 4- 4,5 triệu đồng, trừ đi các khoản chi phí người dân vẫn còn thực lãi từ 2,5- 3 triệu đồng/ sào/ vụ, cao hơn nhiều so với cấy lúa. Ngoài cây ớt giữ vai trò chủ lực còn có một số cây màu khác như ngô, đậu tương, khoai tây...

  

Mặc dù là xã nội đồng, không có đất bãi nhưng Quỳnh Hải vẫn là một trong những xã có diện tích đất chuyên màu hàng năm thuộc loại lớn nhất huyện Quỳnh Phụ. Vùng đất chuyên màu toàn xã hiện chiếm 90ha, tập trung chủ yếu tại các thôn An Phú, Xuân Trạch, Cầu Xá và Lê Xá. Trên vùng đất chuyên màu hầu hết các hộ dân đều chọn hình thức luân canh khép kín từ 3- 5 vụ/ năm và tập trung vào hai nhóm cây trồng chính là ớt và rau các loại. Sự khác biệt giữa canh tác rau màu ở vùng đất chuyên màu với rau màu trên chân đất hai lúa là ở chỗ: Trên vùng đất chuyên màu do chủ động hoàn toàn về thời vụ, không bị lệ thuộc vào thời gian thu hoạch lúa mùa nên các hộ có điều kiện gieo trồng các cây rau màu trái vụ, lệch vụ.

 

Khi trà rau màu đại trà trên chân đất hai lúa bắt đầu cho thu hoạch thì trà rau màu trên vùng chuyên canh đã cơ bản thu hoạch xong và chuyển sang trồng loại cây khác. Cách làm này vừa giúp giảm sự cạnh tranh trên thị trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Thực tiễn sản xuất cho thấy trung bình mỗi héc-ta đất chuyên màu mang lại giá trị sản xuất khoảng 200 triệu đồng/ ha/ năm, cao gần gấp đôi so với chân đất hai lúa+ 1 vụ đông và cao gấp 3- 4 lần giá trị sản xuất trung bình của nhiều xã khác.

  

Nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh lịch thời vụ gieo cấy kết hợp với luân canh tăng vụ, Quỳnh Hải đã vươn lên trở thành xã dẫn đầu về sản xuất cây màu, cây vụ đông ở Quỳnh Phụ. Hệ số sử dụng đất tăng từ 3,5 lần vào năm 2005 lên 3,9 lần/ năm như hiện nay.

 

Tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt năm 2010 dự kiến đạt 18,5 tỷ đồng (giá cố định), tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt giai đạn 2005- 2010 đạt 5,04%/ năm. Giá trị bình quân mỗi héc-ta canh tác đạt khoảng 122 triệu đồng/ năm, thuộc loại cao nhất huyện. Qua đó góp phần đưa bình quân thu nhập đầu người của xã lên mức 15,2 triệu đồng/người/ năm.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa