Thứ 6, 10/05/2024, 05:20[GMT+7]

Hiệu quả chương trình bán hàng bình ổn giá

Thứ 6, 14/11/2014 | 07:50:00
1,202 lượt xem
Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá thị trường, số lượng các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều. Đây là giải pháp quan trọng góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế mức tăng chỉ số giá tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng và bảo đảm an sinh xã hội.

Trung tâm thương mại Victory hàng năm đều tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá phục vụ người tiêu dùng.

Chương trình bán hàng bình ổn giá của tỉnh ta được tập trung triển khai vào các tháng cuối năm với mục đích bảo đảm nguồn hàng thiết yếu đầy đủ, chất lượng tốt, giá cả ổn định để phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau tết Nguyên đán. Từ năm 2011 đến năm 2014, tỉnh đã trích ngân sách 151,8 tỷ đồng cho các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp vay mua hàng thiết yếu. Sau 4 năm thực hiện, số doanh nghiệp tham gia và số vốn ngân sách tạm ứng cho chương trình bình ổn giá ngày càng tăng: năm 2011 có 9 doanh nghiệp với số vốn 15,3 tỷ đồng; năm 2012 có 19 doanh nghiệp với số vốn 35,5 tỷ đồng; năm 2013 tăng lên 21 doanh nghiệp, 2 cá nhân với số vốn 46,5 tỷ đồng và tới năm 2014 tiếp tục tăng lên 23 doanh nghiệp và 2 cá nhân với số vốn 54,5 tỷ đồng. Các mặt hàng tham gia bình ổn gồm: lương thực, dầu ăn, nước mắm, mì chính, thực phẩm đông lạnh, đường, thịt gia súc, gia cầm. Nhờ số vốn được ngân sách nhà nước cho vay với lãi suất 0%, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã chuẩn bị số lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng để phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán. Do đó, tại các điểm tham gia bán hàng bình ổn, giá bán đều ổn định, không có sự biến động. Chương trình đã tạo được tâm lý tốt trong cộng đồng dân cư, hạn chế hiện tượng đầu cơ găm hàng để tăng giá đối với một số mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nâng cao uy tín, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Để có được kết quả trên, từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, tổ chức tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để đông đảo người tiêu dùng biết. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đã bảo đảm dự trữ đầy đủ nguồn hàng, khi xảy ra biến động về giá bán, về lượng hàng, các doanh nghiệp sẵn sàng đưa hàng đến khu vực biến động giúp bình ổn thị trường và ổn định tâm lý người dân. Sở Công Thương đã lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín để tham gia chương trình và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết không tăng giá trong thời gian bán hàng bình ổn nếu giá thị trường biến động tăng đến 15%. Trong trường hợp thị trường có biến động tăng giá trên 15%, doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán nhưng phải thấp hơn giá thị trường 10% và được bán theo giá thị trường nếu thị trường có biến động giảm giá.

Khu hàng Việt Nam chất lượng cao của Trung tâm mua sắm Hapro (thành phố Thái Bình).
 

Đại diện Công ty Cổ phần Lương thực Sông Hồng cho biết: 4 năm qua, Công ty đều tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá và tổ chức bán tại hai điểm ở thành phố Thái Bình và thị trấn Đông Hưng. Thông qua chương trình, Công ty đã mở rộng được thị trường xuống tuyến huyện, đồng thời cũng là dịp để Công ty giới thiệu, nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, hai địa điểm bán hàng trên đã trở thành nơi mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng mỗi dịp tết đến xuân về. Đối với Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Lam Sơn, là một trong những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, năm nào Công ty cũng tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá do Sở Công Thương tổ chức. Các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì chính, nước mắm, đường cũng được đông đảo các đơn vị tham gia, điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh thương mại tổng hợp Thắng Liên, Công ty TNHH Liên Hoàng Hải, Công ty Bánh kẹo Bảo Hưng. Chị Vũ Thị Hằng, tổ 29, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình cho rằng, chương trình bán hàng bình ổn giá là cơ hội tốt để người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý trong những ngày cao điểm. Do đó, cứ tới dịp đầu tháng 12 hàng năm chị Hằng đều tìm đến những cửa hàng có tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá để chọn mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho gia đình.

Dự kiến chương trình bán hàng bình ổn giá thị trường trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 sẽ thu hút 30 doanh nghiệp tham gia, với số vốn vay ưu đãi từ ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Ngoài sử dụng ngân sách để bình ổn giá, trong dịp cuối năm, Sở Công Thương còn tăng cường các giải pháp dự báo tình hình thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá cả, kiên quyết chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Thu Thủy

  • Từ khóa