Thứ 6, 10/05/2024, 07:36[GMT+7]

Ðể ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Thứ 4, 19/11/2014 | 08:37:25
1,138 lượt xem
Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh ta có bước phát triển đáng kể, khá ổn định theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ, tăng chăn nuôi hàng hóa theo hình thức trang trại, gia trại và phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bao gồm sản phẩm gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt, trâu, bò…

Nhiều hộ nông dân các xã duyên giang trong tỉnh phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ðàn bò của nông dân xã Trà Giang (Kiến Xương). Ảnh: Ngọc Linh

 

Theo số liệu của Cục Thống kê, tính đến ngày 1/10/2013, tổng đàn trâu bò toàn tỉnh đạt 49,9 nghìn con, đàn lợn 1,061 triệu con, đàn gia cầm 11,096 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 62 trang trại chăn nuôi quy mô lớn trong đó có 22 trang trại chăn nuôi gia công, còn lại là trang trại tự đầu tư; nhiều trang trại quy mô từ 4.000 - 6.000 con lợn, hàng chục nghìn con gia cầm, có trang trại nuôi tới 20 nghìn con… Quy mô các trang trại, gia trại ngày một mở rộng và phát triển, thu nhập ngày càng tăng và ổn định. Kết quả đó góp phần quyết định cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi tỉnh nhà, năm sau tăng hơn năm trước (năm 2010 tăng 7,79% so với năm 2009, năm 2013 tăng 6,79% so với năm 2012, tốc độ phát triển bình quân 3 năm 2011 - 2013 đạt 6,94%). Cơ cấu ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp: năm 2010 chiếm 35,24%; năm 2011 chiếm 41,74%; năm 2012 chiếm 41,32%; năm 2013 chiếm 41,6%.

 

Ðạt được những kết quả trên do có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung và quyết liệt của tỉnh, bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển ngành chăn nuôi; ngoài ra còn ban hành các văn bản, công điện, chỉ thị tại từng thời điểm cụ thể…; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể…, nhất là vai trò của ngành Nông nghiệp; sự đồng thuận, năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu từ chăn nuôi của các chủ trang trại, gia trại và các hộ nông dân bằng việc tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, cơ chế, nhu cầu thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

 

Bên cạnh những kết quả, ngành chăn nuôi cũng còn một số hạn chế, tồn tại: chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi vẫn còn chậm; chất lượng sản phẩm hàng hóa thấp; các khu chăn nuôi tập trung phần lớn chưa đạt yêu cầu đề ra; nhiều trang trại, gia trại phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, hiệu quả thấp, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường còn hạn chế; thông tin thị trường còn thiếu, sự liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp; cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi còn nhiều bất cập, nhất là về vốn; một số vấn đề liên quan đến dịch bệnh, giá cả và chất lượng thức ăn, thuốc thú y; việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật gia tăng làm cho người chăn nuôi ngày càng thua thiệt, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành chăn nuôi…

 

Ðể ngành chăn nuôi phát triển và đứng vững trong cơ chế thị trường; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, người chăn nuôi phải được tiếp cận với chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách trong nông nghiệp nói chung, trong chăn nuôi nói riêng của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh; kiểm soát được và nâng cao chất lượng con giống, ổn định giá thức ăn, thuốc thú y và thị trường đầu ra cho sản phẩm; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh; quan tâm đến việc thành lập và có cơ chế hỗ trợ cho các câu lạc bộ, tổ hợp tác của những người chăn nuôi, chủ các trang trại, gia trại để trao đổi kinh nghiệm, phương pháp sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và khả năng quản lý kinh tế, tổ chức sản xuất của các chủ trang trại, gia trại và hộ nông dân; ưu tiên kinh phí thuộc chương trình khuyến nông, dạy nghề cho các đoàn thể, các hội nghề nghiệp để giúp người chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi trình độ cao, coi đó là một kênh chuyển tải thông tin khoa học, phương pháp quản lý, nắm bắt thị trường và tính toán hiệu quả kinh doanh đến người sản xuất; đánh giá lại và cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có sự liên kết chặt chẽ, tạo chuỗi giá trị gia tăng mà hai bên cùng có lợi.

            Khúc Văn Thịnh

              (Hội Làm vườn tỉnh)

  • Từ khóa