Thứ 4, 24/07/2024, 06:11[GMT+7]

Thái Thụy Ðẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Chủ nhật, 30/11/2014 | 09:37:43
1,320 lượt xem
Trong những năm qua, với các biện pháp chủ động cùng sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân địa phương, Thái Thụy luôn đạt thành tích cao trong sản xuất nông nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào bức tranh nông nghiệp tươi sáng của huyện đó là việc đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất.

Nông dân xã Thụy An (Thái Thụy) làm đất bằng máy trong sản xuất vụ đông.

 

Ông Ðào Ðức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ðẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất có vai trò quan trọng đối với phát triển nông nghiệp của địa phương, nhờ đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn; giải phóng sức lao động, chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ; bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

 

Ðể thực hiện hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức có vai trò quan trọng. Thái Thụy đã phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty TNHH Một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp (Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam)… và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho bà con nông dân. Huyện đã xây dựng mô hình gieo sạ, gieo mạ khay, cấy bằng máy tại 8 xã: Thụy Dân, Thái Sơn, Thái Thành, Thái Phúc, Thái Hưng…

 

Riêng năm 2014, diện tích gieo sạ của Thái Thụy đạt trên 7.000ha, nhiều xã như Thái Thành, Thái Sơn đạt 100% diện tích. Từ hiệu quả thực tế áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã thay đổi nhận thức của người nông dân, phong trào cơ giới hóa nông nghiệp tại Thái Thụy diễn ra mạnh mẽ. Toàn huyện hiện có 130 máy gặt đập liên hợp, 170 máy làm đất đa năng công suất trên 24CV và 12 máy cấy. Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện, phần lớn số máy trên đều do người nông dân đầu tư phục vụ sản xuất.

 

Là địa phương điển hình trong việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, Thái Thành được tỉnh và huyện đầu tư trên 1,2 tỷ đồng hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất công suất lớn. Ðến nay, toàn xã có 12 máy gặt đập liên hợp, 267 máy làm đất (trong đó có 7 máy làm đất công suất lớn), 5 máy phun thuốc trừ sâu. Qua đó nông dân địa phương hoàn toàn chủ động trong các khâu làm đất, thu hoạch lúa. Ông Phạm Hùng Khiên, Chủ nhiệm HTX DVNN Thái Thành cho biết: Năm 2014, nông dân Thái Thành đã thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 80% diện tích, qua đó đã giảm chi phí thu hoạch lúa 1,52 tỷ đồng. Ngoài ra, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp rất nhanh gọn, rút ngắn thời vụ thu hoạch, thu hoạch thủ công thường kéo dài từ 15 - 17 ngày, thu hoạch bằng máy chỉ còn 7 - 8 ngày. Vụ xuân năm 2010, HTX DVNN đã phát động nông dân mua 25 công cụ gieo sạ, đồng thời xây dựng, triển khai tổ chức mô hình điểm gieo sạ với 16ha. Từ hiệu quả của việc gieo bằng công cụ sạ hàng năm 2013 diện tích gieo sạ tăng lên 300ha và năm 2014 thực hiện trên cả 2 vụ lúa xuân và lúa mùa đạt 400ha bằng 100% diện tích. Hiệu quả kinh tế của gieo sạ so với cấy truyền thống đã giúp người nông dân giảm chi phí,  tăng thu nhập từ 7,8 - 8 triệu đồng/ha.

 

Tính riêng năm 2014, nông dân Thái Thành đã giảm chi phí, tăng thu nhập từ áp dụng gieo sạ 6,24 tỷ đồng. Nhiều tổ chức và cá nhân đã đầu tư máy móc, thiết bị làm dịch vụ cấy trong sản xuất lúa như ông Phạm Văn Lợi, xã Thụy Dương, thành lập Công ty Cây Giống Vàng đầu tư 4 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cấy, 20.000 khay gieo mạ; HTX DVNN xã Thụy Sơn mua 4 máy cấy, làm dịch vụ cấy phục vụ bà con nông dân.

 

Ông Mai Ngọc Ðang, Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được Thụy An coi là một trong những khâu quan trọng, ngoài việc giải phóng sức lao động cho người nông dân, giải quyết tình trạng thiếu hụt về lao động ở nông thôn hiện nay còn góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Công tác làm đất và tưới, tiêu phục vụ sản xuất được cơ giới hóa và điện khí hóa 100%. Toàn xã hiện có 4 máy cày đa năng, hơn 400 chiếc máy cày tay và 100% hộ sản xuất tự trang bị máy bơm nước để chủ động tưới, tiêu. Nhờ ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên phong trào làm vụ đông của Thụy An phát triển khá mạnh. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời, dự kiến đến hết năm 2014, Thái Thụy có thêm 25 - 30 máy cấy, 130 máy gặt đập liên hợp.

 

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang được Thái Thụy tiếp tục đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ hiệu quả thực tế của huyện Thái Thụy, thiết nghĩ các địa phương cũng cần có sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để đẩy mạnh hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa