Thứ 5, 01/08/2024, 03:28[GMT+7]

Lê Lợi Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ

Thứ 4, 10/12/2014 | 08:31:53
1,195 lượt xem
Xã Lê Lợi là một trong số ít địa phương của huyện Kiến Xương phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Người dân trong xã đã duy trì và phát huy ngành nghề truyền thống, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, đến nay đời sống người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Cơ sở chạm bạc Hợp Thành (thôn Trung Kinh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương) tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động.

Toàn xã hiện có 7 thôn với 2.400 hộ, trên 8.000 khẩu. Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Người dân Lê Lợi vốn có truyền thống lao động cần cù, chịu khó, ham học hỏi, do vậy bà con trong xã đã phát triển nghề rất tốt. Nghề chạm bạc có cách đây hàng trăm năm, đến nay đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân và đóng góp chủ yếu vào tỷ trọng công nghiệp của xã. Hiện toàn xã có gần 2.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.600 lao động có nghề với thu nhập bình quân đạt 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, nghề chạm bạc chủ yếu làm thủ công, chỉ sản xuất ra những mặt hàng đơn thuần như vòng tay, vòng chân, đồ trang sức khác nhưng tới nay các hộ đã đầu tư máy móc, phát triển thêm nhiều mặt hàng trang trí nội thất gia đình, đồ thờ với đa dạng mẫu mã trị giá lên tới hàng tỷ đồng/sản phẩm. Toàn xã có 64 cơ sở làm nghề chạm bạc, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương. Ngoài ra, Lê Lợi còn duy trì Hợp tác xã Chạm bạc Phú Lợi, tạo việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn. Nhờ phát triển nghề truyền thống, đến nay lĩnh vực công nghiệp của Lê Lợi chiếm 50% tổng giá trị sản xuất của xã, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 16,7%, tỷ lệ nhà mái bằng cao tầng chiếm trên 80%, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,73%.

Nhờ phát triển nghề nên kéo theo lĩnh vực thương mại, dịch vụ của xã phát triển khá mạnh. Dọc hai bên trục đường chính của xã hầu như hộ nào cũng bày bán các sản phẩm làng nghề. Toàn xã có trên 400 hộ kinh doanh, dịch vụ, trong đó phần lớn các hộ đều trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề tại nhà. Tới cơ sở chạm bạc Điện Mến (thôn Phú Ân), anh Phạm Khắc Điện, chủ cơ sở cho biết: Bình quân mỗi năm tôi nhận được từ 300 - 400 đơn đặt hàng, thu lãi 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Để có được kết quả đó, ngoài việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, anh Điện còn chú trọng trưng bày các sản phẩm độc đáo để thu hút khách hàng đến với mình. Tuy nhiên, theo anh Điện, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn để mở rộng phát triển sản xuất. Hàng năm anh phải xoay vòng vốn khoảng 1,5 tỷ đồng, trong khi đó lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên rất khó khăn trong vay vốn. 

Ngoài cơ sở của anh Điện, cơ sở chạm bạc của anh Thành (thôn Trung Kinh) hiện nay đã nổi tiếng ở xã với 1 gian hàng trưng bày sản phẩm rộng gần 100m2 và 3 nơi sản xuất, thu lãi hàng tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong mấy năm trở lại đây cơ sở luôn nhận được đơn đặt hàng từ 3 - 10 tỷ đồng/sản phẩm. Để làm ra những sản phẩm lớn, ngoài trình độ kỹ thuật của các lao động trong cơ sở, anh Thành còn phải hợp tác với các lao động kỹ thuật tay nghề cao ở các làng nghề khác. Theo anh Thành, để có một sản phẩm đẹp, độc đáo cần phải biết phát huy sự sáng tạo của nhiều người ở các công đoạn khác nhau. Do đó, có lúc anh phải huy động hàng chục người có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao vào làm một sản phẩm. Tuy nhiên, để làm được những sản phẩm lớn như thế, anh cũng phải xoay vòng vốn ở nhiều nơi, bình quân một năm phải vay vốn từ 15 - 20 tỷ đồng.

Để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, những năm qua xã Lê Lợi còn tập trung đầu tư xây dựng chợ Lụ với diện tích 1.429m2, trong đó diện tích ki-ốt 2 tầng là 479m2, 2 dãy ki-ốt lợp mái tôn 400m2 và 28 quầy bán thực phẩm sạch của Dự án Lifsap. Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 300 hộ tham gia kinh doanh buôn bán trong chợ, trong đó 250 hộ là người trong xã. Đến nay, xã không chỉ đạt tiêu chí số 7 về chợ trong xây dựng nông thôn mới mà đời sống người dân quanh khu vực chợ đã ngày càng nâng cao. Nhiều hộ kinh doanh có tiếng ở chợ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm như hộ ông Phạm Văn Đạt, Lương Văn Tiến bán hàng tạp hóa, hộ ông Nguyễn Văn Vang kinh doanh vàng, hộ ông Lương Văn Sáu kinh doanh cửa hàng ăn... Thuận lợi hơn các địa phương khác, Lê Lợi còn có bến xe khách của huyện đặt tại địa phương đi các tuyến Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương đã tạo điều kiện cho xã phát triển thêm nhiều dịch vụ, mở rộng giao lưu buôn bán với các tỉnh, thành phố lân cận.

Có được kết quả trên, những năm qua Lê Lợi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề về vốn, mặt bằng, thủ tục hành chính, mở các lớp dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, dịch vụ phát triển, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế. Đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn chủ hộ tự kê khai mặt hàng kinh doanh một cách trung thực để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển hiệu quả.

Thu Thủy

  • Từ khóa