Thứ 6, 26/07/2024, 03:05[GMT+7]

Kinh nghiệm diệt chuột ở Thái Thụy

Thứ 5, 11/12/2014 | 08:21:55
1,936 lượt xem
Sản xuất nông nghiệp là một trong những mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Thái Thụy, do đó, công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất luôn được coi trọng.

Thái Thụy đẩy mạnh hoạt động của các tổ, đội diệt chuột bảo vệ sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Thái Thụy luôn xác định diệt chuột bảo vệ sản xuất không thể làm ồ ạt theo phong trào, hình thức mà phải xây dựng những mô hình, những phương pháp có tính bền lâu, hiệu quả để từ đó nhân dân thay đổi nhận thức, tin, làm theo và nhân rộng trong các địa phương. Bên cạnh việc in ấn, cấp phát tài liệu, hỗ trợ thuốc hóa học, cạm bẫy cho các địa phương, huyện còn thường xuyên mời cán bộ có kinh nghiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật về mở lớp trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình diệt chuột hiệu quả. Qua các lớp học và kinh nghiệm thực tế từ đồng ruộng của nhiều địa phương, những mô hình, phương pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng.

Ngoài những hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật, các địa phương phải chủ động trong công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất, xây dựng, hỗ trợ và nhân rộng những mô hình tổ, đội diệt chuột hiệu quả, hoạt động thường xuyên, liên tục và mang tính bền vững.

 

(Kỹ sư Lê Xuân Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Thái Bình)

Hiện nay, Thái Thụy đã thành lập được 11 tổ diệt chuột hoạt động rất hiệu quả và thường xuyên tại 11 xã. Đây là con số không nhỏ bởi có nhiều huyện trong tỉnh không có mô hình tổ, đội diệt chuột nào, hoặc có huyện chỉ có từ 1 - 2 mô hình. Xã Thụy Lương là một trong những điển hình xây dựng và duy trì được tổ diệt chuột bảo vệ sản xuất hiệu quả. Với hơn 30 thành viên, chia làm các tổ nhỏ do trưởng thôn phụ trách và những thành viên có sức khỏe, tích cực, giàu kinh nghiệm diệt chuột làm tổ viên. Để nhân dân tin tưởng, tổ diệt chuột đã hợp đồng với Ban quản trị HTX và người dân, thu 1,6kg thóc/sào/năm để duy trì hoạt động, nếu chuột phá hại trên 10m2 lúa thì tổ diệt chuột sẽ bỏ kinh phí đền bù cho người dân theo sản khoán thu của HTX. Ông Bùi Sĩ Tiến, Chủ nhiệm HTX DVNN Thụy Lương cho biết: Với thực tế đồng ruộng Thụy Lương, diệt chuột bằng phương pháp sinh học và hóa học không hiệu quả bằng phương pháp đánh bắt thủ công như soi vụt và đánh cạm. Từ đầu năm 2014 đến nay, tổ diệt chuột HTX DVNN Thụy Lương đã diệt được 5.400 con chuột. Để có được con số ấn tượng trên, ngoài việc ký hợp đồng trước mỗi mùa vụ, đến nay HTX đã hỗ trợ cho tổ diệt chuột tiền mua đèn soi và cạm bán nguyệt lên đến hơn 10 triệu đồng. Ngoài ngày công lao động, tổ viên soi vụt thêm được HTX thưởng 2.000 đồng/con chuột, kinh phí lấy từ tiền thu đầu sào của xã viên để trả. Ngoài ra, các thành viên trong tổ luôn xác định phải thường xuyên bám đồng ruộng, công xá thấp, chủ yếu đòi hỏi sự nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, đó chính là yếu tố quan trọng để tổ diệt chuột HTX DVNN Thụy Lương duy trì hoạt động từ năm 2002 đến nay. Theo kinh nghiệm của anh Ngô Quang Nhanh, một thành viên trong tổ diệt chuột bảo vệ sản xuất của HTX DVNN Thụy Dân (xã Thụy Dân), thứ mồi chuột thích ăn nhất là thóc Q5; muốn đánh chuột bằng bẫy bán nguyệt, dùng thóc Q5 phơi khô, rê sạch để giữ mùi thơm sau đó buộc túm mồi vào vải màn rồi ghim vào bẫy. Với cách làm này, anh Nhanh đã đánh được 200 - 250 con chuột/ngày.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của bác Nguyễn Đình Hiên, thành viên trong tổ diệt chuột bảo vệ sản xuất của HTX DVNN Thụy Sơn (xã Thụy Sơn), loại bẫy bán nguyệt diệt chuột hiệu quả nhất là loại 1,2kg/10 bẫy, toàn bộ bẫy của tổ đều được lựa chọn kỹ khi mua, thường là loại bẫy đuôi phải dài, lò xo quấn bằng máy. Khi mua bẫy về, ghim cắm mồi bằng dây thép nhỏ được các thành viên thay bằng dây tanh xe máy nhằm tăng độ bền và độ nhạy của bẫy. Việc đào bắt chuột làm tổ trong các gò, đống thường tốn rất nhiều thời gian và công sức, tổ diệt chuột bảo vệ sản xuất HTX DVNN Thái Giang đã sử dụng bùn đổ trực tiếp vào các hang chuột gây sặc, chết đột ngột và chuột không dám về hang bị đổ bùn trú ẩn. Đây là phương pháp rất hay, đang được Chi cục Bảo vệ thực vật quan tâm theo dõi, nếu hiệu quả có thể nhân rộng.

*Vụ xuân năm 2013, lúa từ giai đoạn làm đòng đến cuối vụ, toàn tỉnh có 120ha bị chuột gây hại, trong đó có 30ha bị mất trắng

*Vụ mùa năm 2013, toàn tỉnh có 5.100ha lúa bị chuột gây hại làm giảm năng suất từ 20% trở lên, trong đó 510ha bị mất trắng

Bảo Minh

  • Từ khóa