Thứ 3, 20/05/2025, 18:20[GMT+7]

Hội Nông dân xã Vũ Ðông Hiệu quả từ các phong trào thi đua

Thứ 2, 15/12/2014 | 09:24:40
1,901 lượt xem
Những năm gần đây, hội viên Hội Nông dân xã Vũ Ðông (thành phố Thái Bình) luôn chủ động tìm tòi, học hỏi, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Chuồng nuôi dê của ông Đặng Văn Đáng, thôn Hưng Đạo (xã Vũ Đông).

Về thôn Trần Phú, chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Phóng, một thanh niên năng động và là một trong những hội viên điển hình làm kinh tế giỏi của xã. Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, mong muốn trở về quê hương để giúp đỡ gia đình, sau bao trăn trở, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, quyết tâm xây dựng  khu chăn nuôi với tổng diện tích gần 800m2. Khu chuồng nuôi lợn được anh bố trí hợp lý, khoa học, nuôi 20 lợn nái và nuôi duy trì 150 lợn thịt. Một năm xuất bán 3 lứa, doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ tất cả chi phí còn cho thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng. Hầm biogas được xây dựng chứa chất thải vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, vừa giảm chi phí sinh hoạt, cung cấp gas quanh năm cho gia đình.

Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thực hiện tốt khâu vệ sinh môi trường, công tác tiêm phòng mà đàn lợn của gia đình anh luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Còn hội viên Nguyễn Văn Đông, thôn Hưng Đạo, với diện tích chuồng nuôi 100m2 anh chia thành 12 ô, nuôi 2 lợn nái và 100 lợn thịt, một năm xuất bán 3 lứa, doanh thu trung bình từ 500 - 550 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Theo anh Đông, chăn nuôi tại hộ rất chật chội, không mở rộng được quy mô sản xuất và không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy gia đình anh rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để được ra vùng chuyển đổi nhằm tăng đàn, mở rộng sản xuất.

Hội viên Hội Nông dân xã Vũ Đông không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình bằng những con vật nuôi truyền thống mà còn tìm tòi, mạnh dạn đầu tư nuôi những vật nuôi mới, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ. Cũng tại thôn Hưng Đạo, ông Đặng Văn Đáng bắt đầu nuôi dê từ năm 2010, đàn dê hiện có 21 con. Ông Đáng chia sẻ: Nuôi dê đầu tư thấp, giá trị kinh tế cao, thức ăn chủ yếu của dê là cỏ và lá cây. Một dê mẹ sẽ sinh 4 dê con trong một năm, khi nuôi gối nhau, một con dê nặng khoảng 25 - 30 kg là có thể xuất bán, giá thị trường dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Khi nuôi dê phải tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kiến thức qua báo, đài và mạng internet. Đồng thời thường xuyên phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng dịch đậu vào tháng 2, tiêm phòng lở mồm long móng vào tháng 7. Cùng với đó, phải luôn giữ vệ sinh chuồng sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm cho dê phát triển khỏe mạnh.

Ông Đặng Hải Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Đông cho biết: Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã phát động nhiều phong trào và luôn được hội viên ủng hộ, tham gia nhiệt tình như phong trào nông dân giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi… Hàng năm, Hội tổ chức tổng kết các phong trào thi đua và tặng giấy khen cho các hội viên và gia đình tiêu biểu. Hội viên luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, trao đổi và học tập lẫn nhau trong công việc, lao động và sản xuất.

*Hội Nông dân xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) có 1.320 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội

*Số hội viên chiếm 70% dân số toàn xã

*Có 575 gia đình hội viên tham gia chăn nuôi

*Tổng đàn lợn: 10.055 con

*Đàn trâu, bò, dê: 198 con

*Tổng đàn gia cầm, thủy cầm: 46.090 con

Phạm Huế

  • Từ khóa