Chủ nhật, 30/06/2024, 00:30[GMT+7]

Ðiện khí hóa nông thôn Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Thứ 4, 31/12/2014 | 18:29:01
1,370 lượt xem
Chặng đường 20 năm điện khí hóa nông thôn, là cả một chương trình với nhiều đầu việc thực sự đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lao động nông thôn và thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Công nhân Ðiện lực Vũ Thư sửa chữa, nâng cấp lưới điện.

 

Ông Nguyễn Ðức Dương, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình cho biết: Thái Bình là tỉnh thuần nông, hơn 90% dân số sống ở nông thôn nên vùng nông thôn là thị trường rộng lớn, đồng thời là mục tiêu phục vụ chủ yếu của Ðiện lực Thái Bình. Tuy nhiên, lưới điện xây dựng đã lâu, trải rộng, lại không được cải tạo, sửa chữa kịp thời; bên cạnh đó hiểu biết về điện của các địa phương và nhân dân còn hạn chế. Từ thực tiễn này, cán bộ, công nhân viên ngành điện luôn ý thức cần làm tốt việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trước hết là phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, Ðiện lực Thái Bình đã quan tâm đến điện nông thôn. Là đơn vị đi đầu trong toàn ngành về việc sớm mở các hội nghị điện nông thôn, các lớp tập huấn, đào tạo thợ điện nông thôn và thí điểm mô hình đầu tư cải tạo tối thiểu lưới điện bán điện đến hộ. Thường xuyên cử công nhân có trình độ chuyên môn cao về hỗ trợ các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn lưới điện.

 

Những kết quả bước đầu này đã góp phần giúp Thái Bình trở thành tỉnh dẫn đầu toàn quốc về điện khí hóa nông thôn ngay từ năm 1994 với 100% số xã, 98,5% số hộ dân có điện sinh hoạt. Nhờ có điện, người dân có điều kiện trang bị các phương tiện sinh hoạt hiện đại đồng thời tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt kịp thời tình hình thời sự và các kiến thức bổ ích, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đẩy lùi các tệ nạn xã hội… Bà Nguyễn Thị Tròn (thôn Phú Vinh, xã Ðồng Phú, huyện Ðông Hưng) bộc bạch: Trước kia, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào dầu, vừa thiếu ánh sáng, vừa đắt đỏ. Từ khi có điện, đời sống tinh thần, văn hóa được nâng lên rõ rệt nhờ vào chiếc ti vi và các thiết bị sinh hoạt sử dụng điện. Việc đi lại, sinh hoạt mỗi khi màn đêm buông xuống cũng thuận tiện hơn, an toàn hơn. Nhờ đó mà diện mạo nông thôn ngày càng đổi thay, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.

 

Lưới điện nông thôn ngày một lan tỏa rộng khắp các thôn làng, ngõ xóm đã tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế nông thôn phát triển. Ðiện về, mọi hoạt động sản xuất của người dân nông thôn chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Các trang thiết bị, máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp dần thay thế sức người. Những nghề truyền thống dần phục hồi và phát triển với máy móc hiện đại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, doanh nghiệp tại các địa phương cũng được mở rộng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương. Cùng với đó, các cơ sở chế biến, tiêu thụ, phân phối giống cây, con và thức ăn gia súc, gia cầm phát triển mạnh.

 

Theo ông Nguyễn Tiến Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, tác động của điện khí hóa vào việc xây dựng và phát triển nông thôn mới thực sự là đòn bẩy quan trọng và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp diện mạo nông thôn Thái Thụy ngày càng khởi sắc. Cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Không những thế, điện còn giúp địa phương thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống lụt bão, giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh - quốc phòng, đặc biệt an ninh nông thôn và vùng ven biển, ổn định đời sống người dân, tạo đà phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn kết giữa điện, đường, trường, trạm để người dân được hưởng lợi.

 

  • Tổng nguồn vốn đầu tư lưới điện từ năm 1998 đến nay đạt trên 2.200 tỷ đồng
  • 100% hộ dân nông thôn sử dụng điện
  • Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ khoảng 30% xuống còn 10%
  • Các xã cơ bản đạt tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa