Thứ 3, 30/07/2024, 03:21[GMT+7]

Xây dựng mô hình nông thôn mới Cách làm của Quỳnh Minh

Thứ 3, 10/08/2010 | 11:04:25
2,654 lượt xem
Quỳnh Minh là xã đầu tiên ở Quỳnh Phụ được chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Mặc dù thời gian triển khai mới được hơn một năm nhưng xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí theo quy định của Bộ NN& PTNT và đang phấn đấu và hoàn thành 19/ 19 tiêu chí vào năm 2015.

Xưởng sản xuất khung xe đạp tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ). Ảnh: P.V

Xác định thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là 3 tiêu chí mang tính quyết định đến tiến độ cũng như kết quả xây dựng mô hình nông thôn mới, xã chủ trương thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy sức mạnh toàn dân, dựa vào dân để lo cho dân. Chính vì vậy, tất cả các bước trong quy trình xây dựng nông thôn mới đều thông báo công khai để nhân dân cùng bàn bạc, đi đến thống nhất cao.

Với tổng đầu tư 10 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ kết hợp với vốn đối ứng của địa phương, xã đã xây mới 2,4 km kênh mương cấp 1 và 2; gần 2 km đường đá láng nhựa và đường bê tông, 4 phòng học và 4 nhà văn hoá thôn; bổ sung thay thế gần 100 cống tiêu thoát nước nội đồng... Để nâng cao thu nhập cho người lao động xã quy hoạch đồng ruộng thành 4 vùng sản xuất chính gồm: Vùng chuyên màu 25,5 ha, vùng đất 2 lúa 120 ha, vùng đất 2 lúa và 1 vụ đông 100 ha, vùng chăn nuôi tập trung 17 ha. Vụ xuân năm 2010, đã xây dựng thí điểm 17 ha chuyên màu, bỏ hẳn cấy lúa chuyển sang trồng dưa xuất khẩu, ngô giống, lạc, đậu tương, ớt kim; bước đầu cho thu nhập gấp 3 lần so với cấy lúa. Đối với diện tích đất 2 lúa, xã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng mở rộng vùng lúa chất lượng cao làm hàng hoá chiếm 30% diện tích gieo cấy hàng năm với đa dạng các giống như N87, N97, Hương thơm, Bắc thơm, Thiên hương...

Bên cạnh đó khuyến khích các hộ tận dụng tối đa quỹ đất để trồng cây vụ đông các loại. Năm 2009, lần đầu tiên Quỳnh Minh đã đưa được diện tích cây vụ đông lên 152,6 ha, trong đó ớt được coi là cây trồng chủ lực với diện tích chiếm tới 83 ha. Để từng bước chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, Quỳnh Minh đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiêp, hạ số thửa trung bình từ 2,9 thửa/ hộ xuống còn 2,1 thửa/ hộ. Để xây dựng các tuyến bờ vùng, các tuyến mương phục vụ tưới tiêu, xã đã  huy động sức mạnh toàn dân tham gia đào đắp hơn 35.000 m3 đất. Dự kiến năm 2010, tiếp tục đào đắp thêm 35.000 m3 đất nữa để bảo đảm cơ bản hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi nội đồng theo quy hoạch. Việc dồn đổi ruộng tạo mảnh lớn liền kề còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất, với khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt 25%; phấn đấu vụ mùa 2010 khâu thu hoạch đạt khoảng 80%.

Để giảm tỷ lệ lao động trực tiếp từ nông nghiệp, xã chủ trương phát triển CN- TTCN và TM- DV. Hiện tại xã có 1 thôn được công nhận làng nghề. Các ngành nghề thủ công phát triển khá đa dạng với 25 nhóm nghề khác nhau. Bên cạnh hình thức sản xuất phân tán tại hộ, xã đã hình thành được 3 cơ sở sản xuất tập trung. Trong đó, cơ sở sản xuất khung xe đạp của anh Dương Văn Tuấn rộng 1.000m2, sử dụng từ 30- 50 lao động. Mỗi tháng cơ sở này sản xuất khoảng 300 khung xe inox cung cấp cho các thành phố lớn trong nước và xuất sang một số nước như Lào, Cam pu chia, Thái Lan. Cơ sở mộc của anh Nguyễn Xuân Hinh chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ cao cấp như bàn ghế, giường, tủ, cánh cửa, cầu thang... tạo việc làm cho 15 lao động. Một cơ sở khác chuyên may các loại màn và quần áo cung cấp cho Công ty may 10, tạo việc làm cho 30 lao động trực tiếp và 50 lao động vệ tinh...

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song hiện tại thu nhập bình quân của người dân Quỳnh Minh mới đạt mức trung bình của huyện. Tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm gần 40% (theo tiêu chí là 25%). Đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn do xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, nhiều đoạn không đạt tiêu chí theo quy định. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công mô hình nông thôn mới vào năm 2015, Quỳnh Minh tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất theo đề án đã quy hoạch; chú trọng đào tạo nghề cho nông dân; phát triển toàn diện nghề và làng nghề theo hướng mở rộng các nghề hiện có kết hợp tiếp thu nghề mới. Riêng với hệ thống giao thông nông thôn, xã chủ trương vận động nhân dân góp đất và góp công, còn lại Nhà nước sẽ hỗ trợ về vật tư.

P.V 

  • Từ khóa