Thứ 5, 25/07/2024, 19:53[GMT+7]

Tây Sơn Tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ

Thứ 3, 23/11/2010 | 16:23:20
1,846 lượt xem
Tây Sơn là xã cận kề với thị trấn Tiền Hải và khu công nghiệp khí đốt. Vì vậy đất sản xuất nông nghiệp đang bị co hẹp. ý thức được xu hướng CNH, đô thị hoá ngày một phát triển, những năm qua, Tây Sơn đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng CN - TTCN và DV-TM, giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Một góc phố Tây Sơn.

5 năm (2005 – 2010) đã chứng minh việc làm của Tây Sơn. Tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 74,062 tỷ đồng, bằng 233,9% so với 5 năm trước đó. Trong đó giá trị sản xuất CN – TTCN đạt 21,69 tỷ đồng, chiếm 29,3%.

 

Giá trị thương mại – dịch vụ đạt 36,857 tỷ đồng chiếm 49,8%, giá trị SXNN chỉ còn 15,515 tỷ đồng, chiếm 20,9%. Kết quả phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên đã giúp cho Tây Sơn xây dựng được nhiều công trình hạ tầng cơ sở, cải thiện đời sống nhân dân, đưa giá trị sản xuất bình quân đầu người khá cao (18,5 triệu đồng/ người/năm).

 

Dựa vào đặc điểm và thế đứng của mình, Tây Sơn đã chọn cho mình 2 hướng phát triển CN – TTCN. Một là, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì đưa Nghị quyết 01 (khoá 16 của Tỉnh uỷ) vào cuộc sống, vận động các hộ gia đình liên hệ với điều kiện hiện tại để chọn học lấy một nghề (sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ).

 

Đảng uỷ, UBND xã liên hệ với các công ty, xí nghiệp nhận đất của địa phương  ký cam kết tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc. Hai là, thực hiện chủ trương mở cửa  bằng việc tạo điều kiện thuận lợi các thủ tục hành chính để con em đi làm tại các công ty, xí nghiệp ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chủ trương của  xã vừa hợp với điều kiện tự nhiên vừa hợp lòng người, nên CN – TTCN của Tây Sơn phát triển khá nhanh.

 

Đến nay xã có tới 500 hộ tham gia sản xuất các ngành hàng từ sản xuất đồ mộc, cơ khí, sửa chữa máy, chế biến lương thực, thực phẩm, móc sợi, thu hút một lực lượng lao động khá trẻ khoẻ đang làm tại các nhà máy, xí nghiệp của huyện.

 

Lĩnh vực thương mại – dịch vụ của Tây Sơn phát triển tương đối phong phú, toàn xã có 190 hộ kinh doanh dịch vụ. Trong đó 140 hộ buôn bán nhỏ, 30 hộ có máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng; 20 hộ kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Tây Sơn đã đầu tư nâng cấp chợ để kéo thị trường về nơi sản xuất. Trên bước đường đi lên chung của huyện, thị trấn Tiền Hải sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cấp thành thị xã, Tây Sơn sẽ trở thành một phường của thị xã Tiền Hải, kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế (chú trọng phát triển CN – TMDV) của Tây Sơn là bước tập dượt hết sức quan trọng.

 

Với tầm nhìn hiện tại nông nghiệp là ngành kinh tế giữ vai trò ổn định, làm điểm tựa cho các ngành kinh tế khác, Tây Sơn chủ trương thâm canh và sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Toàn xã chỉ còn 229 ha (trong đó đất 2 lúa có 211 ha) Thời gian qua Tây Sơn đã đầu tư 1878 triệu đồng cho hệ thống thuỷ lợi nội đồng bảo đảm đủ nước và nước tốt cho dân sản xuất. Cùng với cơ cấu giống được đối mới và làm tốt công tác chuyển giao KHKT cho hộ nông dân nên năng suất lúa ổn định hơn 105 tạ/ha.

 

Hai năm gần đây, Tây Sơn còn có tiến bộ mới về thâm canh lúa, đó là việc đưa tỷ lệ lúa chất lượng cao vào gieo cấy chiếm 40 – 45% diện tích. Cùng với duy trì phát triển nông nghiệp lúa hàng hoá, Tây Sơn vẫn duy trì được đàn lợn trên 1500 con với sản lượng xuất chuồng hàng năm gần 110 tấn, và đàn gia cầm hơn 39 nghìn con, cải tạo đưa vào nuôi thả cá 12ha; trồng cây dược liệu 1700 cây hoè, thu mỗi năm 5,28 tấn hoa.

 

Tây Sơn đã hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho 5 năm tiếp theo (2010 – 2015). Về kinh tế, phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân 15%/năm, với tổng giá trị sản xuất bình quân 115, 473 tỷ đồng/năm. Trong đó giá trị SXCN – TTCN chiếm 40% ; TM – DV chiếm 40%; còn lại là SXNN. Để tạo được bước đột phá phát triển kinh tế, Tây Sơn đã xây dựng các giải pháp cho từng lĩnh vực. Về CN – TTCN, khuyến khích nhân dân du nhập nghề mới, vận động các cơ sở mở rộng quy mô thu hút thêm lao động.

 

Xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho lực lượng trẻ học nghề và làm việc tại các cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung theo hướng “li nông không li quê”. UBND xã tạo điều kiện cho con em đủ điều kiện được đi xuất khẩu lao động. Về TM – DV, duy trì số hộ kinh doanh hiện có, tạo điều kiện cho các hộ mới bằng cách cho thuê mặt bằng để mở cửa hàng, cửa hiệu. Xã sẽ dành ngân sách mở rộng quy mô và nâng cấp chợ thu hút thêm lực lượng kinh doanh - dịch vụ.

 

Trong chăn nuôi, hướng vào vận động một số hộ có điều kiện ra lập trang trại, đưa đàn lợn lên 1500 – 1600 con và  trên 40 nghìn con gia cầm. Công tác quản lý HTX DVNN hướng tới việc hướng dẫn KHKT cho hộ và làm tốt công tác dịch vụ giống (cây, con), bảo vệ thực vật và thú y trong nông nghiệp./.

 

Bài, ảnh : Phan Đức Lợi

  • Từ khóa