Thứ 2, 29/07/2024, 21:25[GMT+7]

Cải thiện môi trường đầu tư Tạo bước đột phá sản xuất công nghiệp

Thứ 5, 19/03/2015 | 09:27:06
1,436 lượt xem
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thái Bình đã nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, với quyết tâm đổi mới tư duy, cải cách hành chính mạnh mẽ, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách tốt nhất cho các nhà đầu tư, Thái Bình đã có bước phát triển đột phá trong sản xuất cô

Công ty Poong Shin Vina (Khu công nghiệp Phúc Khánh) đầu tư vào Thái Bình tròn 12 năm.

 

Xác định cải thiện môi trường đầu tư là động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, đã thành lập ban chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng mạng văn phòng điện tử liên thông với 100% xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống thư điện tử; triển khai thực hiện đề án một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở cấp huyện. Để giải quyết công việc nhanh chóng cho các doanh nghiệp, ngoài việc quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính, ý thức phục vụ, nâng cao hiệu quả trong các bộ phận thực thi công vụ, tỉnh còn không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính. Năm 2013 đã rà soát, bãi bỏ 207 thủ tục hành chính, cắt giảm trên 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành quyết định quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư, đồng thời đưa bộ phận một cửa liên thông về UBND tỉnh quản lý để trực tiếp hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả cho nhà đầu tư. Việc làm này đã nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở Thái Bình. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo ngành, lĩnh vực, giúp các nhà đầu tư dễ dàng xác định mục tiêu và các ưu đãi đầu tư cho từng lĩnh vực. Nhờ đó, đến nay các dự án lớn, công nghệ cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động đang có chiều hướng gia tăng đầu tư về tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cùng các sở, ngành đã đề ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, gia hạn, giảm thuế; chú trọng công tác quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp tập trung nhằm thu hút các dự án đầu tư. Đến nay, tỉnh đã xây dựng 6 khu công nghiệp, 19 cụm công nghiệp, trong đó tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khá cao. Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2013 đã đào tạo 33.500 lao động để giải quyết nhu cầu nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp.

 

Với các giải pháp đồng bộ và sự chỉ đạo quyết liệt, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh ngày càng nâng cao. Từ vị trí xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2011 Thái Bình đã tiến lên vị trí 25 năm 2012 và 21 năm 2013; Chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2013 xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Cũng từ việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư nên đến tháng 11/2014 toàn tỉnh đã thu hút được 748 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 102.918 tỷ đồng, trong đó 448 dự án đã đi vào sản xuất với vốn đầu tư 17.821 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 110.000 lao động. Đặc biệt, toàn tỉnh đã thu hút được 53 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 422 triệu USD, giải quyết việc làm cho 36.500 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI năm 2014 đạt 11.016,4 tỷ đồng, chiếm 32,5% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 235 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 624,3 triệu USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay đã có 5/7 tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam đã và đang đầu tư vào tỉnh, trong đó một số dự án trọng điểm đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động như: Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình lô 102 - 106... Đây là lợi thế để tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh.

 

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian tới Thái Bình tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư.

 

Thu Thủy

 

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Namon>

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO, tỉnh Thái Bình đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp. Các ngành nghề ở khu vực nông thôn được khôi phục và duy trì, các khu công nghiệp phát triển mạnh tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách rõ rệt. Các doanh nghiệp, người lao động đã phát huy được mặt mạnh, tiếp thu nhanh, sáng tạo, đổi mới, bắt nhịp với sự phát triển của thế giới nên nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, so với các tỉnh khác, đội ngũ doanh nghiệp của Thái Bình chưa thật sự nổi trội, chưa tạo ra được nhiều mặt hàng có thương hiệu. Ngoài ra, tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của nước ngoài và trong nước để ngành công nghiệp thật sự mang tính đột phá.

Ông Tsai Chui Tien, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Khai Phát Đài Tín

Thái Bình là tỉnh có nhiều thuận lợi về địa hình, có mạng lưới giao thông và kết cấu hạ tầng nông thôn khá phát triển, đặc biệt là có nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó. Bên cạnh đó, Thái Bình còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, trong đó có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Theo đó, trong hai năm 2002 - 2003, Công ty được hỗ trợ 100% tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và san lấp trên diện tích đất thuê. Ngoài ra, giá thuê đất rất hợp lý, tương đương 0,31 USD/m2/năm, đây là lý do thúc đẩy Công ty chọn Thái Bình là điểm đến đầu tư.

Ông Youngdo Min, Giám đốc Công ty Poong Shin Vina (Khu công nghiệp Phúc Khánh)

Đến nay vừa tròn 12 năm làm việc tại Thái Bình tôi thấy Thái Bình là tỉnh phát triển rất mạnh, điều kiện làm việc rất tốt, không có gì vướng mắc đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành rất quan tâm tới các nhà đầu tư ngay từ khi triển khai dự án. So với một số tỉnh lân cận có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư thì Thái Bình được chúng tôi đánh giá có môi trường đầu tư tốt nhất. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh như được miễn giảm thuế, hỗ trợ cơ sở hạ tầng... khiến các doanh nghiệp FDI chú ý tới Thái Bình nhiều hơn.

Ông Nakada Shingo, Phó Giám đốc Tập đoàn Yazaki

Thời gian gần đây, Thái Bình đã có kế hoạch tu sửa, nâng cấp hệ thống giao thông, tạo môi trường rất tốt cho các nhà đầu tư cả về việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, cơ chế một cửa liên thông của tỉnh đã giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp. Thái Bình gần với nơi sản xuất chính của tập đoàn ở Hải Phòng, người lao động có tay nghề tốt, ý thức kỷ luật cao, ham học hỏi. Đó là lý do khiến chúng tôi quyết định đầu tư dự án về Thái Bình. Tôi mong muốn tỉnh sẽ có nhiều hoạt động để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa vào các khu công nghiệp.

  • Từ khóa